Ông Lê Ngọc Quyền – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Tổng cục Khí tượng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) – cho biết, từ nửa cuối tháng 12.2023 tới nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng mưa rất thấp.
Theo ông Quyền, xâm nhập mặn năm 2024 diễn ra sớm và đi sâu vào nội đồng. Hiện, các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… tình trạng mặn diễn ra phổ biến, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Từ nay đến cuối tháng 5.2024, ĐBSCL còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao.
Chia sẻ với Báo Lao Động, Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp nhận định, từ số liệu thực tiễn của các địa phương, những chỉ số đo đếm của các nhà khoa học cho thấy, năm 2024 đang diễn ra trận hạn, mặn khốc liệt, đây là 1 trong 3 trận hạn, mặn lịch sử của vùng ĐBSCL (2016, 2020 và 2024).
“Tuy nhiên, kỳ hạn, mặn năm 2016 là trận lịch sử mà 100 năm mới có một lần, nhưng từ đó tới nay trong 10 năm lại xảy ra 3 trận hạn, mặn. Điều này cho thấy nhịp độ hạn, mặn có tính chu kỳ và ngày càng nhanh hơn. Chính vì vậy, chúng ta cần chủ động thích ứng, sống chung với hạn, mặn”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Hiệp, ĐBSCL cần tập trung 3 yêu cầu và 4 giải pháp quan trọng, được gọi tắt là “3 cần – 4 có”. Trước hết, cần lấy tư duy thích ứng làm yêu cầu xuyên suốt trong sinh hoạt, đời sống, tổ chức sản xuất; điều này cũng phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của vùng ĐBSCL, từ kinh nghiệm thực tiễn đã hình thành nên tri thức bản địa của người dân.
Tiếp đến, với những thách thức mới, yêu cầu phát triển mới, chúng ta cần tận dụng để có những dự báo khoa học, cảnh báo sớm về thời tiết, khí hậu, thủy văn, nhất là những thông tin báo về hạn, mặn.
Đồng thời, việc đầu tư những giải pháp công trình là quan trọng nhưng giải pháp phi công trình rất cần thiết và phải xuyên suốt trong các giải pháp công trình; phải đặt ra yêu cầu đảm bảo quy tắc “không hối tiếc”, không nhìn ở góc độ tài chính mà còn phải quan tâm góc độ môi trường.
Về 4 giải pháp cần tập trung, bao gồm giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài. Trước mắt, những thông tin cảnh báo sớm cần chủ động và đến được tay người dân, những người trực tiếp sản xuất để họ chủ động né hạn, mặn trong lịch thời vụ, chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái tự nhiên từng vùng.
Bên cạnh đó, phải phối hợp chặt chẽ giữa các vùng, miền; đặc biệt là chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt.
Còn giải pháp lâu dài chính là đầu tư các công trình, nhưng phải gắn với yêu cầu phát triển của địa phương, mỗi địa phương có những ưu tiên khác nhau, không đồng phục hóa những công trình thủy lợi cho cả vùng ĐBSCL.
Sau cùng là cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng định chế của Ủy hội sông Mekong. Bên cạnh đó, cũng tận dụng tối đa tổ chức quốc tế, nhất là các quốc gia quan tâm đến tài nguyên nước, đặt lợi ích chung của dòng Mekong để có thể chia sẻ, khai thác và phối hợp với nhau.
Riêng tại Cà Mau – tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung.
Ông Đỗ Minh Điền – Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Sở NNPTNT Cà Mau – cho biết, tỉnh có đưa ra giải pháp trước mắt là tăng cường, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước; đồng thời UBND tỉnh đã quyết định chi 10 tỉ đồng cho 3 huyện thiếu nước nghiêm trọng.
“Chúng tôi cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống thủy lợi, trong đó đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện 5 ô thủy lợi để trữ nước trong mùa khô; hỗ trợ kinh phí từ dự án nước sạch nông thôn. Bên cạnh đó, Cà Mau chưa được hưởng lợi ích từ dự án Cái Lớn, Cái Bé nên tỉnh đề xuất hoàn thiện hệ thống thủy lợi này để mang nguồn nước về, giảm bớt khó khăn cho bà con”.