Thị trường carbon toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ
Thị trường carbon toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt được thúc đẩy bởi Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon và cơ bản hoàn thiện Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris, bao gồm Điều 6 trực tiếp liên quan đến thị trường carbon.
Tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu – Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, giá giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính tại thị trường châu Âu từ 80-100 Euro/tấn, Mỹ là 40 USD/tấn. Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đã mở cửa thị trường của riêng mình.
Có 2 loại hàng hoá sẽ giao dịch trên thị trường carbon. Đầu tiên là hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch đó cho doanh nghiệp (DN), DN sẽ có quyền phát thải trong hạn ngạch mình sở hữu. Còn phát thải thêm thì phải mua hạn ngạch từ các DN khác.
Loại thứ 2 là tín chỉ carbon. Cơ bản giống hạn ngạch nhưng tín chỉ mang tính chất tự nguyện nhiều hơn. Tức là, khi DN đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, ví dụ như trồng rừng, thì các cơ quan quản lý phê duyệt, thẩm định lượng giảm đó. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được một tín chỉ carbon. Tín chỉ đó vì mang tính tự nguyện nên giá dao động từ rất rẻ, ngưỡng 1 USD/tấn, cũng có thể rất cao, ngưỡng 15 USD/tấn, tùy vào loại hình công nghệ và mức đầu tư.
Hiện nay, trên thế giới, cả 2 loại hàng hoá trên đều được giao dịch mạnh mẽ. Thị trường carbon hiện có khoảng 40 quốc gia, khu vực đang triển khai, với giá trị giao dịch lên đến hàng trăm tỷ USD một năm.
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc, Trưởng bộ phận ESG của Vinacapital, thông tin, thị trường carbon hiện chia làm hai loại: Một là, thị trường bắt buộc trao đổi các hạn ngạch tín chỉ giảm phát thải, hai là thị trường tự nguyện. Doanh nghiệp tiên phong cam kết phát thải ròng bằng 0 hoặc giảm thiểu carbon thì họ sẵn sàng mua tín chỉ carbon từ những lĩnh vực như trồng rừng hoặc năng lượng tái tạo, hoặc recyling and plastic – thu hồi lại những vật liệu, túi ni-lông…Những tín chỉ đó có thể bán ra thị trường quốc tế.
Theo ông Công, các dự án về tín chỉ carbon hiện đa phần để bán trên thị trường tự nguyện. Quy mô của thị trường tự nguyện trên toàn cầu hiện khoảng 2 tỷ USD và giá trong những năm gần đây tăng rất cao, đặc biệt là năm 2021.
Tại Việt Nam hiện có 2 dự án bán tín chỉ ra quốc tế là dự án ở Bắc Trung bộ giá khoảng 6 USD và dự án ở Quảng Nam là 10 USD/tín chỉ. Tuy nhiên, mức giá của dự án còn phụ thuộc vào các lợi ích khác cho cộng đồng như là cho người bản địa, cho người nghèo, phụ nữ, người khuyết tật… sẽ bán được giá cao hơn khi những DN tự nguyện mua cũng mong muốn mang lại lợi ích cho xã hội.
Việt Nam có nhiều triển vọng
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, cho rằng, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều. Đây là thị trường càng ngày càng phát triển nhưng mức độ khan hiếm ngày càng cao.
Việt Nam 3/4 diện tích là rừng. Lâu nay chúng ta chặt phá rừng trồng sẵn, cà phê và nhiều loại cây khác, như keo, tràm… cho bình quân thu nhập khoảng 75 triệu đồng/năm. Nhưng nếu làm phát thải carbon có thể cho sản lượng 150 tấn carbon/ha. Nếu lấy giá bình quân 40 USD/tấn thì chúng ta có thể thu về 6.000USD/ha/năm.
Còn theo ông Phạm Hồng Lượng, Chánh văn phòng, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT, Việt Nam có tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới. Hiện tỷ lệ này khoảng 42,02%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%.
Việt Nam có diện tích rừng rất lớn, khoảng 14,7 triệu ha, trong đó tự nhiên hơn 10 triệu ha, trồng 4,5 triệu ha.
Chỉ riêng việc bảo vệ, gìn giữ diện tích đó đã đem lại giá trị to lớn, không chỉ trực tiếp mà còn gián tiếp, hình thành trong tương lai tín chỉ carbon từ rừng.
Riêng trong lĩnh vực hấp thụ carbon thì tổng lượng carbon của ngành lâm nghiệp khoảng 612 triệu tấn. Đây là con số rất lớn.
Theo thống kê của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu UNFCCC, thị trường Việt Nam có khoảng gần 40 triệu tín chỉ carbon. Tuy nhiên, với thông tin tiếp cận về thị trường còn hạn chế, nhiều lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, khả năng chuyển đổi xanh còn chậm.
Về vấn đề này, ông Vũ Chí Công cho biết: Thị trường tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng lớn. Việt Nam có rừng vàng biển bạc nhưng chúng ta cần phải có sứ mệnh bảo vệ, chứ không phải chỉ ngồi và khai thác nó. Câu chuyện tín chỉ carbon cũng có ý nghĩa như vậy.
Trên thực tế, số tín chỉ carbon của Việt Nam cao hơn 40 triệu, bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng… đều tạo ra tín chỉ carbon.
Phát thải tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới. Để giảm phát thải, nhu cầu hấp thụ carbon ở Việt Nam cũng rất cao.
Ông Nguyễn Thành Công cho hay, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ TN&MT quy định chi tiết hơn về chia sẻ lợi ích tín chỉ carbon, dự kiến năm nay sẽ ban hành. Và đến năm 2030 sẽ liên kết thị trường carbon với quốc tế. Nghĩa là hạn ngạch, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể giao dịch với quốc tế thông qua việc liên kết để tăng tính cạnh tranh và sức khoẻ trên thị trường.
Bộ TN&MT đang tìm hiểu để tìm ra mô hình sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sao cho phù hợp nhất. Khối lượng giao dịch sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người mua, điều này lại phụ thuộc vào mục tiêu của Chính phủ. Như EU đưa ra mục tiêu giảm phát thải rất mạnh mẽ khiến giá tăng rất nhanh từ 20-30 Euro/tấn lên khoảng 100 Euro/tấn. Song tại Hàn Quốc, giá rất ổn định vì DN họ không muốn bán mà giữ lại tín chỉ để dùng.
Việt Nam đặt mục tiêu thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Các DN cũng rất quan tâm đến thị trường này.
Có thể thấy, việc hình thành thị trường carbon trong nước giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới, trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/buon-ban-tin-chi-carbon-co-hoi-kiem-tien-tren-thi-truong-ty-usd-d95311.html.