Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế
2 tháng kể từ khi nghỉ việc tại một cửa hàng bán thức ăn nhanh, đến nay, anh Nguyễn Tùng Phương (26 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) vẫn chưa tìm được công việc mới. Anh Phương cho biết, chật vật tìm việc ở các nơi vì hầu hết các nhà tuyển dụng đều có yêu cầu khá cao trong khi mức lương lại không tương xứng. “Các công ty yêu cầu nhân viên có trình độ tiếng Anh tốt, ngoài ra họ còn kiểm tra kỹ năng giao tiếp, do đó tôi đang trau dồi thêm và đang dự định sang TP Cần Thơ làm việc” – anh Phương nói.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị Nguyễn Thị Bích Tuyền (sinh năm 2000, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nhìn nhận bản thân còn khá hạn chế trong giao tiếp ứng xử. Đó là lý do khiến chị nghỉ việc ở công ty truyền thông khi chỉ mới làm việc được hơn 3 tuần, “Áp lực công việc rất lớn nhưng tôi không biết giải quyết. Thời gian này, tôi đang ở nhà phụ người thân làm vườn” – chị Tuyền chia sẻ.
Quý I/2024, TP Cần Thơ đã giải quyết việc làm cho 14.775 lao động, tuy nhiên, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Cần Thơ, hiện nay, người lao động vẫn còn thiếu trình độ ngoại ngữ. Chưa kể, nguồn cung nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
Ông Tiêu Minh Dưỡng – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP Cần Thơ thông tin, 9 tháng cuối năm 2024, ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, mời gọi, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia mô liên kết giữa “cơ sở đào tạo – doanh nghiệp” để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên và người lao động; đồng thời tranh thủ được nguồn lực của các doanh nghiệp phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Tác động từ biến đổi khí hậu
Tại buổi tiếp và làm việc với các Phó Đại sứ nhóm G4 (gồm 4 nước Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ) của UBND TP Cần Thơ hồi giữa tháng 4.2024, vấn đề áp lực thị trường lao động trong bối cảnh biến đổi khí hậu được nhiều người quan tâm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, Cần Thơ mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa nhưng vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trước các tác động của thiên tai, nhân tai, TP chủ động ứng phó và thích ứng tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra trên khắp ĐBSCL nhằm đảm bảo tình hình lao động sản xuất và ổn định cuộc sống cho người dân.
Thời điểm này, Cần Thơ có 40.000 người dân đi tỉnh ngoài làm công nhân, mưu sinh. Có khoảng 20.000 người đi làm việc, học tập ở những nơi khác. Con số này không quá lớn, song TP đã và đang tiếp tục triển khai loạt giải pháp để đảm bảo thị trường lao động cho vùng.
“TP có các biện pháp tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP ở địa phương; chuyển đổi lao động nông thôn sang phi nông nghiệp tại chỗ; xây dựng cơ sở hạ tầng mời gọi nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở địa bàn… Hy vọng người lao động không đi đâu xa mà sẽ ở tại TP vì có công ăn việc làm” – ông Hè nói.
Về áp lực này, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói thêm, Cần Thơ đã và đang học hỏi, tiếp tục rút kinh nghiệm từ các TP khác trên cả nước.
Năm 2023, Dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singpore (VSIP) Vĩnh Thạnh được đặt tại xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) có quy mô sử dụng đất 293,7ha (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư hơn 3.717 tỉ đồng (gần 160 triệu USD) cũng chính thức khởi động. VSIP Cần Thơ đi vào hoạt động tạo khoảng 30.000 đến 50.000 việc làm, giúp giải bài toán việc làm cho người lao động Cần Thơ cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL.