Thách thức lớn
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), qua việc kiểm kê khí nhà kính, phát thải nước ta vào khoảng 300 triệu tấn CO2, tương ứng mỗi người phát thải 3 tấn/năm. Lĩnh vực phát thải nhiều nhất chính là lĩnh vực năng lượng, do chúng ta đang là quốc gia đang phát triển nên sử dụng năng lượng lớn và tiếp tục tăng trong tương lai. Ở chiều ngược lại, lĩnh vực giảm phát thải và hấp thụ nhiều nhất là rừng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng lớn. Việt Nam có rừng vàng biển bạc, nhưng chúng ta cần phải có sứ mệnh bảo vệ, chứ không phải chỉ ngồi và khai thác nó. Câu chuyện tín chỉ carbon cũng có ý nghĩa như vậy.
Trên thực tế, theo ông Nghĩa, số tín chỉ carbon của Việt Nam cao hơn 40 triệu, bao gồm các loại hình như rừng, biển, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng… đều tạo ra tín chỉ carbon. Tuy nhiên, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì các quốc gia có rừng rất hiếm hoặc có nhưng khả năng hấp thụ carbon thấp. Thế giới chú ý đến 2 khu vực là Mỹ la tinh và Đông Nam Á nhưng đang dần cạn kiệt (rừng nguyên sinh) do bị tàn phá.
Việt Nam có nhiều tiềm năng vì 3/4 là rừng, tuy nhiên trước đây hay xảy ra tình trạng chặt phá rừng để trồng cây công nghiệp, do đó tỷ lệ rừng nguyên sinh còn ít, chỉ còn rừng trồng. Vì vậy, vấn đề là cơ chế ra sao nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho nhà đầu tư, phân chia nguồn doanh thu cho các bên liên quan như thế nào để vừa phát triển thị trường carbon nhưng vẫn giữ được hạn ngạch cho cam kết hướng đến phát thải ròng về “0” của Việt Nam.
“Tôi hy vọng Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT sớm có kế hoạch định hướng, thể chế chính sách rõ ràng hơn để theo kịp quốc tế. Đi kèm với đó là những quy định ràng buộc thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam theo tiêu chuẩn của thị trường quốc tế”, ông Vũ Chí Công, Giám đốc, trưởng bộ phận ESG của Vinacapital cho hay.
Với kinh nghiệm từ các nước đã phát triển thị trường carbon, ông Vũ Chí Công cho rằng, để xây dựng thị trường carbon, khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay rất thiếu và yếu, nhất là nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu về kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực kiểm kê giảm phát thải.
“Hiện tại đa phần các dự án có tín chỉ carbon chúng ta đều phải thuê chuyên gia quốc tế với chi phí không hề rẻ. Vì vậy, chi phí giữa đầu tư để chi trả tất cả các bên trong quá trình thẩm định, thẩm tra để tạo ra tín chỉ và doanh thu bán tín chỉ có cân bằng được với nhau hay không?”, ông Vũ Chí Công đặt vấn đề và nhấn mạnh, nếu chúng ta có những nguồn lực trong nước thì chi phí đầu tư cho các bên liên quan sẽ rẻ đi rất nhiều.
Lộ trình phát triển của Việt Nam ra sao?
Với lộ trình cũng như cơ hội từ thị trường carbon, ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng phòng Kinh tế và Thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT thông tin: Về cơ sở pháp lý, lần đầu tiên chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 139) quy định về thị trường carbon, gồm 2 phần là bắt buộc cho các cơ sở sản xuất và tín chỉ carbon thông qua tự nguyện. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 06 (2022) về giảm phát thải, bảo vệ ozon. Nghị định đã quy định rất chi tiết. Có 2 mốc thời gian rất quan trọng, đó là năm 2025 và năm 2028.
Từ năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành. Tuy nhiên, từ nay đến đó vẫn có những giao dịch được diễn ra.
“Thị trường này được nhiều bên quan tâm, không chỉ cấp Chính phủ mà cả tư nhân nữa. Nhiều DN cam kết giảm phát thải riêng của mình, họ tự tìm đến các đơn vị để mua tín chỉ đó. Và Nhà nước rất ủng hộ. Nhưng thị trường sau này hướng đến bắt buộc thì phải đợi sự phân bổ hạn ngạch cho các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 01 về danh mục các cơ sở, lĩnh vực phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, là các DN có mức phát thải trên 3.000 tấn CO2/năm”, đại diện Cục Biến đổi khí hậu cho biết.
Các lĩnh vực tập trung hướng đến là năng lượng, nông nghiệp, giao thông, xây dựng… Những DN này trong tương lai sẽ được phân bổ hạn ngạch để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần phải thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính.
Liên quan đến lộ trình kiểm kê, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, theo quy định của Nghị định 06 đang chia ra 3 cấp kiểm kê phát thải khí nhà kính. Cấp đầu tiên là cấp quốc gia, Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì. Cấp thứ hai là cấp ngành. Các ngành bao gồm ngành năng lượng, giao thông, xây dựng. Thứ ba là kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, là các nhà máy, cơ sở phát thải.
Hiện, Chính phủ quy định hơn 1.900 DN phải kiểm kê khí nhà kính. Lộ trình đến năm 2025, DN phải gửi số liệu hoạt động đến các đơn vị chủ quản để các bộ chủ quản tính toán kiểm kê. Sau năm 2025, DN phải tự kiểm kê phát thải khí nhà kính của mình. Bởi lẽ, nhìn ra thế giới, nhiều nước đã đưa ra các rào cản thương mại liên quan đến khí hậu. Thị trường châu Âu, Mỹ đã áp đặt thuế carbon lên hàng hóa xuất khẩu, do vậy DN phải có giải pháp để biết được mức phát thải của DN là bao nhiêu để điều chỉnh cho phù hợp.
Việt Nam đặt mục tiêu thí điểm sàn giao dịch carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Vậy, để sàn này vận hành, cần những chính sách gì? Ông Nguyễn Thành Công chia sẻ: “Để thí điểm ở một thị trường mới như Việt Nam thì cần chuẩn bị rất nhiều chính sách kỹ thuật, ban hành chính sách để DN hiểu được việc thực hiện kiểm kê ra sao, báo cáo thế nào, thẩm định giảm nhẹ phát thải ra sao… Nhưng việc đầu tiên vẫn là ban hành các quy định thẩm định kỹ thuật. Tiếp đến là cơ chế tài chính và tính toán, xem xét sàn đặt ở đâu, có thể tích hợp vào sàn chứng khoán hay không, hay xây dựng sàn mới?”.
“Tôi nghĩ điều quan trọng tiếp theo là nâng cao nhận thức. Không chỉ nhận thức của nhà quản lý mà của cả DN. Tôi thấy rất là may mắn khi DN rất quan tâm đến thị trường này. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải làm rõ cho DN thấy những rủi ro của thị trường. Ngoài hành lang pháp lý thì còn phụ thuộc vào lộ trình hợp tác quốc tế”, theo ông Công.
Đối với kế hoạch xúc tiến thương mại để bán tín chỉ carbon ra thế giới, ông Nguyễn Thành Công cho biết, liên quan đến việc hợp tác với các quốc gia khác (song phương, đa phương), không hạn chế bên mua, bên bán. Hiện cũng đã có một số bên tìm đến Chính phủ, DN Việt Nam để đặt vấn đề mua bán, nhưng quan trọng là phải hài hòa lợi ích, như WB nhận chuyển nhượng khoảng 95% lượng giảm phát thải, tương đương khoảng 9,79 triệu tấn CO2. Sau này, khi chúng ta có hạn ngạch, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ TN&MT quy định chi tiết hơn về chia sẻ lợi ích tín chỉ carbon. Dự kiến năm nay sẽ ban hành. Và đến năm 2030 sẽ liên kết thị trường carbon với quốc tế. Nghĩa là hạn ngạch, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể giao dịch với quốc tế thông qua việc liên kết để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang tìm hiểu để tìm ra mô hình sàn giao dịch tín chỉ carbon của Việt Nam sao cho phù hợp nhất. Khối lượng giao dịch sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người mua, điều này lại phụ thuộc vào mục tiêu của Chính phủ. Như EU đưa ra mục tiêu giảm phát thải rất mạnh mẽ khiến giá tăng rất nhanh từ 20-30 EUR/tấn lên khoảng 100 EUR/tấn. Song tại Hàn Quốc, giá rất ổn định vì DN họ không muốn bán mà giữ lại tín chỉ để dùng. Đây là câu chuyện Bộ TN&MT sẽ phải làm cho thị trường Việt Nam.
“Bộ TN&MT sẵn sàng tham vấn các bên liên quan để đưa ra những định hướng phù hợp, linh động… nhằm thúc đẩy thị trường nhưng đảm bảo “không quá nóng, không quá nguội” ”, đại diện Bộ TN&MT chia sẻ.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/khoang-trong-chinh-sach-tren-thi-truong-tin-chi-carbon-d100262.html.