Thiếu “nhạc trưởng”
Nhận định về thực trạng du lịch vùng ĐBSCL hiện nay, Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL – cho rằng, du lịch ĐBSCL chưa thật sự có “nhạc trưởng”. Mặc dù thời gian qua Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực, là một trong những Hiệp hội nghề nghiệp được xem là hình mẫu cho hoạt động du lịch ở các vùng du lịch khác, nhưng hoạt động vẫn còn nhiều hạn chế, trở ngại.
Vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Cục Du lịch trong thúc đẩy hợp tác liên kết phát triển vùng nói chung, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xúc tiến du lịch ĐBSCL nói riêng thông qua một số dự án hỗ trợ cụ thể còn rất hạn chế.
Trong thực tế, đến nay vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng và một mô hình chỉ đạo, điều phối liên kết vùng ĐBSCL phát triển du lịch thật sự hiệu quả.
“Các liên kết vừa qua mới chủ yếu giữa chính quyền với chính quyền, thông qua kí kết các chương trình hợp tác, dựa vào mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương với nhau, là sự cam kết tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lí, nên hiệu quả chưa nhiều”, ông Hiệp nêu rõ.
Theo ông Hiệp, du lịch ĐBSCL đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu” là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và đang thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả; không gian du lịch vùng, liên kết với TPHCM bị ngắt khúc.
Tập trung 3 mũi đột phá
Từ những hạn chế, tồn tại của du lịch vùng ĐBSCL, Tiến sĩ Kinh tế Trần Hữu Hiệp đề xuất tập trung 3 mũi đột phá trong triển khai thực hiện, bao gồm: xây dựng cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; tạo nguồn lực vật chất đầu tư; phát triển sản phẩm đặc thù và nguồn nhân lực du lịch vùng.
Trên cơ sở cụ thể hóa các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, ông Hiệp đề xuất thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL. Trong đó, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình và bước đi, đặc biệt là những vấn đề cần ưu tiên thực hiện giai đoạn đến năm 2030.
Đồng thời, xúc tiến hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL, nhưng phải trên cơ sở gắn bó lợi ích thiết thực của các chủ thể liên quan (tổ chức, doanh nghiệp, người dân…) với lợi ích chung của ngành.
Đặc biệt, kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “Cluster – cụm ngành du lịch”. Tổ chức, cá nhân làm du lịch, các cơ quan truyền thông và công chúng tham gia xây dựng sản phẩm du lịch với cách tiếp cận đa ngành.
Bên cạnh đó, cần có chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ, kiến thức du lịch bản địa gắn với phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù tại các cụm – không gian du lịch vùng được xác định.
“Liên kết không gian du lịch và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng, cùng với hạ tầng du lịch, nhân lực du lịch là các trụ cột của ngành “công nghiệp không khói” đang được kỳ vọng vượt qua thách thức để du lịch vùng ĐBSCL phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới”, ông Hiệp khẳng định.