ĐBSCL đang đối diện 7 thách thức về nguồn nước
PGS.TS Lê Anh Tuấn – giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học Cần Thơ) – cho biết, an ninh nguồn nước ở ĐBSCL đang đối diện với 7 thách thức như: Chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn; chuyển nước sông Mekong qua nơi khác; suy giảm chất lượng môi trường đất – nước; thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn dùng nước; hiệu quả sử dụng nước rất thấp; khai thác tài nguyên nước quá mức; biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Nhận diện về các thách thức, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần triển khai đồng bộ 7 nhóm giải pháp: cắt giảm các sản xuất công nghiệp có mức xả thải vượt quy định, khuyến khích sự tham gia của người dân trong quản trị nguồn nước, tăng cường bảo tồn nguồn nước, hiện đại hóa hệ thống quan trắc nguồn nước, chia sẻ rộng rãi thông tin nguồn nước, thường xuyên theo dõi các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới trên lưu vực, tăng cường pháp chế liên quan đến kiểm soát nguồn nước…
Về giải pháp vấn đề hạn, mặn, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết thêm, phục hồi khả năng hấp thụ và lưu trữ nước tự nhiên ở các vùng trũng; công trình hồ chứa nước lũ, vật dụng chứa nước mưa; xây dựng nhà máy chứa nước thành nước ngọt; hạn chế khai thác nước ngầm, bổ cập nhân tạo nước dưới đất; tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước an toàn; chuyển diện tích lúa – màu sang nuôi trồng thủy sản.
Nhiều giải pháp cho nguồn nước vùng ĐBSCL
Ông Nguyễn Hồng Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho hay, nguồn nước ĐBSCL phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nước đến từ thượng nguồn sông Mê Công (chiếm 94% tổng lượng nước của ĐBSCL). Vì vậy, các hoạt động khai thác phía thượng nguồn lưu vực sông Mê Công đã và đang là nguy cơ trực tiếp làm suy giảm nguồn nước chảy vào Việt Nam.
Giải pháp cho nguồn nước vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Hồng Hiếu cho rằng, về trước mắt, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn.
Ngoài ra, vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng hạn chế thiệt hại. Rà soát lại diện tích cây trồng và khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn mặn gây ra; triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt, tiết kiệm nước tưới.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cũng thông tin về giải pháp lâu dài, đầu tư phát triển các ngành phải tuân thủ các quy hoạch liên quan đến vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý định hướng phát triển các ngành phù hợp với các vùng sinh thái đã chỉ ra trong các quy hoạch và NQ 120 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước sông Cửu Long nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, và nhất là nước cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Ngoài ra, xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ việc điều hòa, phân phối nguồn nước để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, cũng như việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia phía thượng nguồn sông Mê Công, nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế – xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại.
Nghiên cứu, triển khai các phương án, các giải pháp tích trữ nước ngọt với quy mô phù hợp với ĐBSCL, để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, điều tiết nguồn nước. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các trạm cấp nước tập trung theo hướng thích ứng với nguồn nước có quy mô phù hợp với từng địa phương và có giá thành phù hợp cho người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng thường xuyên xâm nhập mặn.