Mặc dù kinh doanh buôn bán các sản phẩm cho nhiều đối tượng khác nhau như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và người bệnh, nhưng trang web https://asiasuckhoevang.vn/ thuộc sở hữu của Công ty TNHH Y tế Asia vẫn không hề đăng ký website thương mại điện tử với cơ quan chức năng.
Mới đây, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều cơ sở bán hàng trực tuyến do vi phạm không đăng ký với hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương (đăng ký website thương mại điện tử). Đây cũng là một trong những vấn đề khiến cho câu chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng “lộng hành” tràn lan trên thị trường.
Có lẽ đâu đó trên thị trường, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa nhận thức rõ được những nguy cơ từ việc không đăng ký website cung cấp dịch vụ hoạt động thương mại điện tử. Với người bán hàng trực tuyến thông qua website, điều quan trọng nhất là tuân thủ pháp luật. Nếu không tuân thủ quy định, các website bán hàng sẽ được liệt vào danh sách có nguy cơ cung cấp hàng hoá, dịch vụ không đảm bảo, thậm chí gian dối.
Việc phải làm thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương được quy định rõ trong các văn bản pháp luật như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, thông tư số 47/2014/TT-BCT, Nghị định số 185/2 013/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, yêu cầu tất cả các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.
Cụ thể, Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định các website cần phải thông báo đăng ký với Bộ Công Thương, bao gồm: website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình; Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại…
Quy định bắt buộc là vậy, nhưng theo khảo sát của PV Thương Trường có rất nhiều website, nhất là các website bán hàng chưa đăng ký với hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử theo quy định. Đáng chú ý, trong đó có trang web https://asiasuckhoevang.vn/, thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Y tế Asia (thông tin được thể hiện trên hệ thống đăng ký tên miền quốc gia). Công ty này có địa chỉ đăng ký hoạt động tại Thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, và mã số thuế là 2400869077. Người đại diện pháp luật của công ty là bà Nguyễn Thị Hoa.
Tại trang web https://asiasuckhoevang.vn/, trong phần giới thiệu có thông tin rất rõ, rằng “Công ty TNHH Y Tế ASIA là một trong những công ty hàng đầu tại Việt Nam chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm sữa bột cao cấp đạt chuẩn quốc gia, phù hợp với thể trạng và kinh tế của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo giới thiệu, công ty này đang cung cấp “các sản phẩm chất lượng, đa dạng về chủng loại, phù hợp với nhiều lứa tuổi, Công ty TNHH Y Tế ASIA đã làm hài lòng mọi khách hàng, đối tác ngay từ khi có mặt trên thị trường. Các sản phẩm của công ty cung cấp hướng đến nhiều đối tượng khác nhau như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già, người suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và người bệnh”. Theo quan sát của PV, phần lớn các sản phẩm sữa do Công ty TNHH Y tế Asia cung cấp trên trang web đều là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung.
Trong bối cảnh tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng, việc buôn bán sản phẩm hàng hoá trên website không đăng ký diễn biến phức tạp.
Do đó, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử được coi là “mặt trận” trọng tâm nhằm nỗ lực dẹp bỏ vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những vấn đề khiến cho cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Không chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà tại nhiều địa phương, trước sự bung nở nhu cầu bán hàng trực tuyến, rất nhiều website bán hàng đã ra đời, trong số đó nhiều cơ sở chưa có đăng ký với cơ quan chức năng. Vấn đề này khiến cho câu chuyện hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trở nên khó kiểm soát.
Việc ngang nhiên lập website bán hàng trực tuyến nhưng không khai báo và đăng ký website với hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương cũng đã khiến nhiều cơ sở, tổ chức bị xử phạt nghiêm khắc. Mới đây, Cục Quản lý thị trường Nghệ An, Sóc Trăng và một số địa phương khác đã bị xử lý do vi phạm liên quan đến vấn đề này.
Theo cơ quan quản lý thị trường, qua kiểm tra phát hiện website thương mại điện tử của các cơ sở bán hàng trực tuyến đều chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định. Đặc biệt, nhiều website bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu, hàng kém chất lượng… khiến cho thị trường thương mại trực tuyến trở nên ngày càng thiếu lành mạnh.
Trước thực trạng nêu trên, đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó làm trong sạch môi trường trực tuyến, tăng tính thượng tôn pháp luật, tạo cơ hội cho các cơ sở làm ăn chân chính phát huy hiệu quả.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, các cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng hoá trên môi trường mạng cũng cần tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác trước các website giới thiệu bán hàng không rõ tính chất pháp lý, không khai báo và đăng ký hoạt động thương mại điện tử để tranh nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Quy định về xử phạt khi không đăng ký website thương mại điện tử
Việc làm thông báo/đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương là yêu cầu bắt buộc đã được pháp luật quy định, do vậy việc doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định sẽ bị xử phạt nặng.
Xem xét tại điều 62 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ nếu không thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website. Phạt tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ nếu doanh nghiệp không đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử, gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website/ ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử…
Nguồn : https://thuongtruong.com.vn/news/cong-ty-y-te-asia-phot-lo-quy-dinh-phap-luat-ve-ban-hang-truc-tuyen-121354.html.