Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã lợi dụng xe hợp đồng hoạt động vận chuyển khách trá hình xe tuyến cố định, gây ùn tắc giao thông và tạo cạnh tranh không lành mạnh…
Chiều ngày 2/10 vừa qua, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì Hội nghị họp bàn phương án xử lý “Xe hợp đồng hoạt động trá hình vận tải khách tuyến cố định” trên địa bàn tỉnh này.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa tại hội nghị này, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 736 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 1.057 phương tiện. Trong số đó có 113 doanh nghiệp với 472 xe, 10 hợp tác xã với 27 xe, 614 hộ kinh doanh với 558 xe.
Phần lớn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng thực hiện vận chuyển khách theo hợp đồng bằng văn bản giấy hoặc điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm thuê cả người lái); không thực hiện chở khách dưới hình thức xác nhận đặt chỗ, vé qua tổng đài, số điện thoại, gom khách…
Qua nắm bắt, rà soát và báo cáo của các địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh này có khoảng 80/1.057 xe hợp đồng hoạt động vận chuyển khách trá hình xe tuyến cố định. Những xe này hoạt động tập trung tại các khu đô thị, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, nơi có nhu cầu của người dân nhiều như: Thành phố Thanh Hoá, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn; các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Triệu Sơn, Quảng Xương, Ngọc Lặc…
Đặc biệt tại thành phố Thanh Hoá có một số đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe hợp đồng vận chuyển khách trá hình xe tuyến cố định với số lượng 46/80 xe. Một số doanh nghiệp vận tải hợp đồng còn vi phạm, gồm: Công ty TNHH Vĩnh Quang (nhà xe Vĩnh Quang) với số lượng 8 xe; Chi nhánh Công ty TNHH Mai Linh – Willer tại Thanh Hóa với số lượng 4 xe; Công ty TNHH Ðại Thắng (nhà xe Ðại Thắng) với số lượng xe 17; Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Quốc tế Hạ Long (nhà xe Ba Sáu) với số lượng 7 xe; Công ty TNHH Ðại Nam (nhà xe Ðại Nam) với số lượng xe 10.
Hội nghị cũng chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, cụ thể như việc nắm bắt tâm lý của người dân ngại chờ đợi, muốn được đưa đón tận nơi, không phải vào bến xe, các điểm đón trả khách theo quy định để mua vé khi di chuyển, nên các đơn vị vận tải, văn phòng, chi nhánh sử dụng xe hợp đồng, du lịch từ 9-11 chỗ để vận chuyển khách đang “lách luật” trá hình hoạt động vận tải khách tuyến cố định. Thậm chí, các đơn vị vận tải này còn lập “bến cóc” đón trả khách ngay tại văn phòng, chi nhánh ở các tuyến đường nội thị, gây ùn tắc giao thông; tạo cạnh tranh không lành mạnh với hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định.
Cùng với đó, hiện nay tại các tỉnh phía Bắc thì thành phố Hà Nội là đầu mối tập trung lượng lớn xe hợp đồng, du lịch để trá hình lập các tuyến vận tải khách cố định, theo lộ trình cố định từ Hà Nội về các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, loại hình này phát triển mạnh tại các tỉnh, thành phố có kết nối với Hà Nội có nhu cầu cao, cự ly vận chuyển vừa phải như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An.
Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành một số công văn chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Giao Thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 1/1 đến ngày 30/8 vừa qua, Công an thành phố Thanh Hóa đã lập biên bản 110 trường hợp vi phạm đối với xe ô tô vận tải hành khách, trong đó có 7 trường hợp xe hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định, phạt tiền hơn 132 triệu đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn 16 giấy phép lái xe.
Cùng tính từ ngày 1/1 đến ngày 3/9 vừa qua, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã kiểm tra, lập 96 biên bản xử phạt vi phạm đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch (hoạt động vận chuyển khách trá hình tuyến cố định)với số tiền là hơn 453 triệu đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn 22 giấy phép lái xe, 15 phù hiệu “Xe hợp đồng”. So với cùng kỳ năm 2022, số xe hợp đồng bị xử phạt tăng 2,74 lần, phạt tiền tăng 7,7 lần.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng đề ra xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai, thực hiện trước 15/10/2023. Đồng thời, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, sửa đổi, đặc biệt là hệ thống giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.
Ông Mai Xuân Liêm cũng đề nghị Công an tỉnh, Sở Giao Thông Vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm, trong đó tập trung cao điểm kiểm tra, xử lý ở thành phố Thanh Hóa. Đồng thời, đặt biển phụ cấm đậu, đỗ tại các tuyến trung tâm, mật độ dân cư và lưu lượng phương tiện dày đặc. UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là thành phố Thanh Hóa tăng cường tuyên truyền, xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền.
Đối với các doanh nghiệp vi phạm liên quan ứng dụng app điện tử, trang điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán vé, xác nhận đặt chỗ, đón trả khách theo yêu cầu; đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa căn cứ trách nhiệm liên quan, lĩnh vực quản lý chủ động xử lý trong phạm vi thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn : VnEconomy