Bộ Tài chính đề xuất phạt kịch khung đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần thêm hình thức xử phạt như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm và công khai doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm có vi phạm để răn đe…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.
VƯỚNG MẮC TỪ LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền lên từ 90 triệu đồng đến 100 triệu đồng (thay cho mức từ 40 triệu đồng đến 50 triệu) đối với một số hành vi vi phạm như: tài liệu giới thiệu sản phẩm không phản ánh trung thực các thông tin cơ bản tại quy tắc, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm, không nêu rõ các quyền lợi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm; không thể hiện rõ là sản phẩm bảo hiểm, được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không phải là sản phẩm của các đối tác phân phối…
Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi không thể hiện rõ việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối; triển khai các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe không theo quy định của pháp luật.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có khoảng 3.000 đại lý bảo hiểm vi phạm quy định về bán bảo hiểm. Các lỗi vi phạm chính gồm: tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ… Dù có nhiều vi phạm như trên nhưng luỹ kế từ năm 2013 tới nay chỉ có 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt với tổng số tiền phạt 2,95 tỷ đồng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng mức xử phạt vi phạm 100 triệu đồng chưa đủ răn đe. Cơ quan chức năng cần thêm hình thức xử phạt như thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, tước giấy phép doanh nghiệp vi phạm và công khai doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm có vi phạm để răn đe, tránh lặp lại những lỗi tương tự.
Tuy nhiên, Luật sư Đức cho biết mấu chốt là ở Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 24 luật này thì mức phạt tối đa với vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm là 100 triệu đồng. Do đó, cần phải bắt đầu sửa từ luật này.
“Có những hành vi vi phạm gần đây đã được tăng mức phạt lên cao như vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán. Vì vậy, nên rà soát tổng thể các quy định liên quan và nêu rõ mức xử phạt của các hoạt động cụ thể, có cả kinh doanh bảo hiểm”, ông Đức nói.
Theo Luật sư Đức, ở nhiều quốc gia, nguyên tắc xử phạt là phải để doanh nghiệp hay cá nhân nghĩ đến là sợ không dám vi phạm, bởi nếu vi phạm có thể dẫn đến phá sản.
“Đối với lĩnh vực bảo hiểm, cá nhân vi phạm phải phạt tiền tỷ, với tổ chức thì mức phạt có thể lên hàng trăm tỷ đồng. Chỉ có phạt nặng mới khiến cá nhân, đại lý bảo hiểm không dám có hành động sai phạm hay “nhắm mắt làm ngơ” cho những hành vi sai trái, ép khách hàng mua bảo hiểm như thời gian vừa qua”, ông Đức nói và nêu thêm rằng phải quy định rõ thẩm quyền xử phạt của các cơ quan liên quan, từ địa phương lên Bộ Tài chính.
TS. Phan Phương Nam, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, suốt một thời gian dài người dân phản ánh bị “ép” mua bảo hiểm (như một khoản “bôi trơn”) khi muốn vay vốn tại ngân hàng. Tình trạng này kéo dài cho thấy các bên chưa làm hết trách nhiệm trong vấn đề này.
“Doanh nghiệp bảo hiểm cần làm rõ đại lý bảo hiểm đã đủ điều kiện chưa? Trong quá trình bán bảo hiểm đã tư vấn, giải thích đầy đủ cho khách hàng hay chưa? Còn nếu phía ngân hàng nếu chỉ chạy theo doanh số, lợi nhuận, ép chỉ tiêu cho nhân viên, dẫn đến nhân viên cũng phải ép khách hàng mua “bia kèm lạc” thì doanh nghiệp bảo hiểm phải cắt hợp đồng với ngân hàng”, ông Nam nói.
TS Nam cũng nhấn mạnh, thực chất ngân hàng đóng vai trò đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nhưng ở Việt Nam, ngân hàng chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, còn doanh nghiệp bảo hiểm thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính. Điều này dẫn tới không có sự rõ ràng trong quản lý đối với lĩnh vực này.
Ngân hàng đang đóng vai trò là đại lý bảo hiểm cần sự phối hợp chặt chẽ của cả 2 cơ quan thì giải quyết vấn đề mới thấu đáo”, ông Nam nêu.
THỰC THI PHÁP LUẬT PHẢI THỰC CHẤT, NGHIÊM MINH
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có khoảng 3.000 đại lý bảo hiểm vi phạm quy định về bán bảo hiểm. Các lỗi vi phạm chính gồm: tư vấn chưa đầy đủ cho khách hàng, tuyên truyền, quảng cáo sai về doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ… Dù có nhiều vi phạm như trên nhưng luỹ kế từ năm 2013 tới nay chỉ có 29 doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt với tổng số tiền phạt 2,95 tỷ đồng.
Luật gia Lê Thị Kim Ngân (Hà Nội) nêu quan điểm, việc tăng mức xử phạt ít hay nhiều không phải là yếu tố then chốt để lành mạnh hoá thị trường bảo hiểm. Mấu chốt là việc áp dụng, thực hiện những quy định này thế nào.
“Nếu chỉ quy định hình phạt mà không giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, xử phạt kịp thời nhằm lên án, răn đe, ngăn chặn những sai phạm kế tiếp thì tăng cao mức phạt hơn nữa cũng không có giá trị”, bà Ngân nêu.
Theo bà Ngân, việc lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm cần sự chung tay của nhiều bên. Ở đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và các cơ quan chức năng liên quan cần kiểm soát đầu vào của đại lý bảo hiểm chặt chẽ hơn.
Bà Hồ Thị Ngọc Như, Trưởng ban Hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM), nêu một thực trạng hiện nay: nhân viên giao dịch ngân hàng không có chuyên môn bảo hiểm, không có code (mã) đại lý lại là người tư vấn, hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm cho khách hàng gửi tiết kiệm, vay vốn.
“Không hiểu lý do gì toàn bộ hồ sơ này được chuyển về công ty bảo hiểm với code đại lý của công ty bảo hiểm, đại lý đứng tên trong bộ hồ sơ này khách hàng chưa từng gặp mặt? Đây có được xem là hành vì lừa đảo khách hàng hay không? Có lẽ cơ quan chức năng cần tính tới việc khởi tố hình sự với những trường hợp lừa đảo khách hàng thì mới đủ răn đe”, bà Như nói…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2023 phát hành ngày 16-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn : VnEconomy