Những doanh nghiệp dẫn đầu “bảng xếp hạng” nợ thuế tại Ninh Bình

by quoc_vu
28 views

Đối với những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài, Cục Thuế Ninh Bình thực hiện đăng tải công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng..

Cục Thuế Ninh Bình vừa thực hiện công khai thông tin đối với 179 doanh nghiệp nợ đọng hơn 494 tỷ đồng tiền thuế. 

Một số doanh nghiệp có số nợ lớn điển hình vừa bị công khai như: Công ty TNHH Trung Linh Phát nợ trên 178 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư phát triển khu công nghiệp Phúc Lộc (công ty cổ phần) nợ trên 76 tỷ đồng. Công ty TNHH xăng dầu Trường Hải Ninh Bình nợ trên 56,3 tỷ đồng. Công ty TNHH Trung Linh Phát – Chi nhánh Ninh Bình nợ trên 25,6 tỷ đồng.

Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hùng Vương nợ trên 12,5 tỷ đồng. Công ty CP xuất nhập khẩu Phúc Lộc nợ trên 11,5 tỷ đồng. Công ty TNHH Hải Chung nợ trên 9,3 tỷ đồng. Công ty CP Tô Tiến Phát nợ trên 6,2 tỷ đồng. Công ty CP chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Ninh Bình nợ trên 6 tỷ đồng. Công ty CP Xi măng Hướng Dương nợ trên 4,8 tỷ đồng…

Hiện nay, Văn phòng cục thuế Ninh Bình quản lý số nợ trên 271 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Ninh Bình – Hoa Lư quản lý số nợ trên 145,8 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Tam Điệp – Yên Mô quản lý số nợ trên 30,4 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Nho Quan – Gia Viễn quản lý số nợ trên 28 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Kim Sơn – Yên Khánh quản lý số nợ trên 19,1 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm 2023 đến nay, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tiếp tục chịu ảnh hưởng bất lợi của nền kinh tế, do vậy, số thuế phát sinh thấp. Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng có doanh thu thấp, số thuế phát sinh phải nộp giảm, điều này đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Ninh Bình đạt tỉ lệ thấp so với dự toán.

Tính đến đầu tháng 9/2023, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được 7.624,8 tỉ đồng, đạt 42,2% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 67,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất đạt 7.090,1 tỉ đồng, đạt 47,1% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 69% so với cùng kỳ và thu tiền sử dụng đất đạt 534,7 tỉ đồng, đạt 17,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 49,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Việc thu ngân sách bị sụt giảm đã ảnh hưởng đến việc bố trí nguồn vốn và giải ngân cho các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, đồng thời kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế, Cục Thuế Ninh Bình yêu cầu toàn đơn vị tăng cường công tác quản lý thu, kiểm tra rà soát các nguồn thu, bám sát và đánh giá tình hình trong nước và thế giới, phân tích, nhận định những tác động ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và của tỉnh để nhận diện đúng các rủi ro, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Tổng cục Thuế có kịch bản, giải pháp chủ động trong công tác quản lý điều hành thu ngân sách nhà nước. 

Đối với việc kéo giảm nợ thuế, Cục Thuế Ninh Bình đang tiếp tục tăng cường công tác chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế: tập trung các trường hợp nợ thuế của cá nhân, các khoản nợ sai nợ ảo. Đồng thời, cục thuế đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài. Cục Thuế Ninh Bình chỉ đạo các phòng chức năng, chi cục thuế trực thuộc bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và của cục thuế về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Trong tháng 8/2023, Cục Thuế Ninh Bình thu nợ được 297,5 tỷ đồng; trong đó cục thuế thu được 278,8 tỷ đồng, các chi cục thuế thu được 18,7 tỷ đồng. Tổng số nợ đến ngày 31/8/2023 giảm so với số nợ 31/7/2023 chuyển sang là 196,6 tỷ đồng. Số nợ chuyển kỳ sau 871,8 tỷ đồng.

Nguồn : VnEconomy

You may also like