Hồ chứa nước ngọt rộng 102ha, thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Công trình khởi công tháng 1.2022, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau làm chủ đầu tư.
Ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, theo kế hoạch ban đầu, hồ được thi công trong 22 tháng, song khi thực hiện có 2 lần gia hạn. Việc gia hạn này là do yêu cầu của nhà tài trợ phải lấy mẫu nước khu vực thí nghiệm vào cả mùa mưa và mùa khô. Do đó, thời gian thi công công trình phải kéo dài.
Nguyên nhân chậm tiến độ do trong thời gian thực hiện, do ảnh hưởng nền địa chất yếu, có nhiều kênh đào lên liếp cũ để trồng rừng, thời tiết bất thường, có những thời điểm khan hiếm xăng dầu, nên công trình phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp vận hành, khai thác sau này. Chủ tịch UBND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thi công đến 30.5 năm nay.
Lãnh đạo Sở cũng cho rằng các điều chỉnh đều do lí do khách quan, bất khả kháng. Bên cạnh đó, sau 4 lần điều chỉnh, giá trị hợp đồng dự án là khoảng 248 tỉ đồng, không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
Nguyên nhân điều chỉnh là do phải thay đổi thiết kế cho phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng, như: 5 km quanh hồ tăng quy mô mặt đường từ 3 m lên 5m, phát sinh đường đấu nối từ hồ ra đường U Minh – Khánh Hội khoảng 500m; phát sinh áp mái thành rọ đá xung quanh hồ để đảm bảo không bị xói lở…
Hồ chứa nước ngọt khi hoàn thành, sẽ cung cấp nước sạch cho hơn 11.000 hộ dân ở huyện U Minh, nhằm hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm và phòng chống cháy rừng khi khẩn cấp…
Ngoài mục tiêu chính là cung cấp nước sinh hoạt, công trình hồ chứa nước ngọt trên còn trữ nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng và cung cấp một phần nước phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp giảm thiệt hại diện tích cây trái, hoa màu của người dân. Trong tương lai, hồ có khả năng trữ nước phục vụ thêm cho khu vực huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình và Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, việc hoàn thành đưa vào sử dụng hồ nước ngọt là giải pháp thiết thực trong việc ứng phó với hạn mặn, thiếu nước ngày càng trầm trọng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại tỉnh Cà Mau.