Theo các chuyên gia kinh tế, có thể ngày càng có nhiều các nhà bán lẻ sẽ gặp khó khăn bắt đầu từ cuối năm nay khi lạm phát gia tăng, giá cả tăng cao làm giảm nhu cầu đối với một số mặt hàng nhất định.
Vào tuần trước, gã khổng lồ trong ngành mĩ phẩm với 90 năm tuổi đời Revlon đã nộp đơn xin phá sản, trở thành các tên đầu tiên trong lĩnh vực tiêu dùng đầu tiên trong nhiều tháng.
Câu hỏi được đặt ra là những nhà bán lẻ nào sẽ là cái tên tiếp theo và trong bao lâu nữa?
Hãng mĩ phẩm Revlon với 90 năm hoạt động tuyên bố phá sản
Ông Perry Mandarino, đồng Giám đốc ngân hàng đầu tư và Trưởng bộ phận tái cấu trúc doanh nghiệp tại B. Riley Securities, cho biết: “Ngành bán lẻ đang thay đổi liên tục và trong 5 năm tới, cảnh quan sẽ khác rất nhiều so với hiện nay”.
Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngành công nghiệp đã chứng kiến sự thụt lùi đáng kể trong quá trình tái cơ cấu vào năm 2021 và đầu năm 2022 khi các công ty (bao gồm cả những công ty đã bị liệt vào danh sách theo dõi phá sản) nhận được khoản cứu trợ kích thích tài chính cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đại dịch bùng phát cũng đã khiến hàng chục nhà bán lẻ bao gồm J.C. Penney, Brooks Brothers, J. Crew và Neiman Marcus phải ra tòa phá sản.
Theo S&P Global Market Intelligence, nếu bao gồm cả hồ sơ của Revlon thì đã có bốn vụ phá sản trong ngành bán lẻ trong năm nay. Đó là con số thấp nhất mà công ty theo dõi được trong ít nhất 12 năm.
Số lượng các nhà bán lẻ tuyên bố phá sản qua các năm. Nguồn: S&P Global, CNBC
Không rõ về việc chính xác khi nào con số đó bắt đầu tăng lên, nhưng các chuyên gia tái cơ cấu cho biết họ đang chuẩn bị cho những rắc rối lớn hơn của toàn ngành khi các dịp lễ quan trọng đang đến gần.
Một phân tích của Fitch Ratings cho thấy các công ty tiêu dùng và bán lẻ có nguy cơ vỡ nợ cao nhất bao gồm nhà sản xuất nệm Serta Simmons, dòng mỹ phẩm Anastasia Beverly Hills, công ty tiếp thị chăm sóc da Rodan & Fields, chủ sở hữu Billabong Boardriders, chuỗi cửa hàng quần áo nam Men’s Wearhouse, công ty tiếp thị Isagenix International và nhà sản xuất quần áo thể thao Outerstuff.
Ông Sally Henry, giáo sư luật tại Trường Luật và Công nghệ Texas và là đối tác cũ tại công ty luật hàng đầu New York Skadden Arps, Slate, Meagher & Flom LLP cho biết: “Khả năng sẽ xảy ra một cơn bão hoàn hảo, tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy tỉ lệ phá sản trong ngành bán lẻ tăng lên”.
Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng có thể khiến mọi thứ trở nên khó dự đoán hơn. Những người Mỹ có thu nhập thấp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lạm phát trong khi những người giàu có hơn tiếp tục mua sắm các mặt hàng xa xỉ.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ vào tuần trước, chi tiêu cho dịch vụ ăn uống và bán lẻ đã giảm 0,3% trong tháng 5 so với tháng trước đó. Các nhà bán lẻ đồ nội thất và đồ dùng trong nhà, cửa hàng điện tử và thiết bị gia dụng cũng như các chuỗi chăm sóc sức khỏe và cá nhân cũng đều ghi nhận doanh số giảm so với tháng trước.
Ông Marshal Cohen, Cố vấn trưởng ngành bán lẻ tại NPD Group, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: “Người tiêu dùng không chỉ mua ít đồ hơn, mà họ còn đi mua sắm ít hơn, đồng nghĩa với việc mất đi những khoảnh khắc mua sắm bốc đồng vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng bán lẻ”.
Trong một cuộc khảo sát vào cuối tháng 5, trong ba tháng đầu năm 2022, người tiêu dùng mua ít mặt hàng hơn 6% so với quý đầu tiên của năm 2021. Hơn 8 trong số 10 người tiêu dùng Hoa Kỳ cho biết họ có kế hoạch thực hiện những thay đổi hơn nữa để giảm chi tiêu của mình trong ba đến sáu tháng tới.
Cuộc chạy đua trong cơn bão lạm phát
Mối đe dọa về việc tăng lãi suất trong tương lai – sau khi Cục Dự trữ Liên bang tuần trước tăng lãi suất chuẩn ba phần tư điểm phần trăm trong đợt tăng mạnh nhất kể từ năm 1994 – đã thúc đẩy các nhà bán lẻ bước vào cuộc đua tìm cách sống sót qua cơn bão kinh tế này.
Các doanh nghiệp đã chạy đua để đón đầu các đợt tăng giá trong tương lai. Một số mua lại nợ hoặc cố gắng gia hạn các kì hạn thanh toán. Ví dụ như chuỗi của hàng bách hóa Macy’s hồi tháng 3 cho biết họ đã hoàn tất việc tái cấp vốn 850 triệu USD trái phiếu sẽ đến hạn thanh toán trong 2 năm tới.
Tuy nhiên các chuyên gia nhận thấy rằng hoạt động tái cấp vốn trong 12 tháng qua đã bắt đầu chậm lại, với một số lượng lớn hơn các giao dịch bị hủy bỏ hoặc bị rút lại. Có vẻ như cửa sổ đang đóng lại cho việc tái cấp vốn đang trở nên khó khăn hơn.
Cuối năm 2020, Revlon thoát khỏi phá sản trong gang tấc bằng cách thuyết phục các trái chủ – người mua trái phiếu của họ gia hạn nợ đáo hạn. Nhưng chưa đầy hai năm sau, công ty phải chịu đựng một khoản nợ lớn và các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến công ty không thể hoàn thành tất cả các đơn đặt hàng của mình.
Ông David Berliner, Trưởng bộ phận tái cấu trúc và xoay vòng kinh doanh của BDO cho biết: “Ngành bán lẻ đang phải vật lộn với gánh nặng nợ chồng chất và sẽ là đối tượng dễ bị phá sản nhất”. Sự sụt giảm sẽ bắt đầu xuất hiện sau khi mùa mua sắm tựu trường sắp tới, sau khi các gia đình trở về sau kì nghỉ hè và có thể sẽ thắt chặt chi tiêu”.
Một cuộc khảo sát của UBS mới đây đã cho thấy chỉ có khoảng 39% người tiêu dùng Mỹ cho biết họ có kế hoạch chi nhiều tiền hơn cho mùa tựu trường năm nay so với năm trước, con số này giảm so với khảo sát tương tự vào năm 2021.
“Người tiêu dùng đang ngày càng thắt chặt ví tiền của họ. Sẽ có kẻ thắng người thua nhưng tôi không chắc cuộc chiến này sẽ bắt đầu khi nào”, ông Berliner chia sẻ. Ngoài ra ông đã theo dõi chặt chẽ mức nợ của người tiêu dùng, vốn đang dao động gần mức cao nhất mọi thời đại. Người tiêu dùng sẵn sang chi tiêu bằng thẻ tín dụng, thế chấp và các ưu đãi mua trước trả sau. Tôi e sợ rằng nhiều người sẽ sử dụng thẻ tín dụng quá nhiều và sau đó có thể bị đột ngột thu hồi”.
Dù bằng cách nào, Berliner cho biết tình trạng khó khăn sẽ lớn hơn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ, đặc biệt là các cửa hàng vốn không có nhiều nguồn lực để vượt qua thời điểm khó khăn.
Mức tồn kho đáng báo động
Một vấn đề quan trọng khác là mức hàng tồn kho cũng nằm trong tầm ngắm của các cố vấn phá sản vì chúng có khả năng dẫn đến những rủi ro lớn. Trong những tuần gần đây, các nhà bán lẻ từ Gap đến Abercrombie & Fitch hay Kohls’ cho biết họ có quá nhiều tồn kho sau khi các chuyến hàng đến muộn và người tiêu dùng đột ngột thay đổi thói quen tiêu dùng với những mặt hàng mà họ vẫn thường hay mua.
Đầu tháng này, nhà bán lẻ Target cho biết họ đang lên kế hoạch giảm giá và hủy một số đơn đặt hàng để cố gắng đẩy lượng hàng tồn kho. Ông Joseph Malfitano, người sáng lập công ty chuyển đổi và tái cấu trúc Malfitano Partners cho biết, khi các nhà bán lẻ khác làm điều tương tự, lợi nhuận sẽ giảm trong thời gian tới.
Và khi tỷ suất lợi nhuận của một nhà bán lẻ giảm xuống khi hàng tồn kho của họ được đánh giá lại – một thông lệ trong ngành – những hàng tồn kho đó sẽ không có giá trị nhiều, Malfitano giải thích. Do đó, cơ sở vay nợ của một công ty có thể giảm.
“Một số nhà bán lẻ đã có thể hủy đơn đặt hàng để không tạo thêm bong bóng hàng tồn kho. Nhưng rất nhiều nhà bán lẻ không thể hủy những đơn đặt hàng đó. Vì vậy, nếu các nhà bán lẻ không thể hủy đơn đặt hàng và không đưa ra thị trường trong mùa lễ thì lợi nhuận của họ sẽ đi xuống. Nhiều vấn đề sẽ xuất hiện vào năm 2023”.
Một kết quả khác của suy thoái kinh tế có thể là sự gia tăng hoạt động M&A trong lĩnh vực bán lẻ, theo Mandarino của B. Riley Securities.
Các nhà bán lẻ lớn hơn và ổn định hơn về tài chính có thể tìm cách “nuốt chửng” các thương hiệu nhỏ hơn, đặc biệt khi họ có thể làm như vậy với mức chiết khấu lớn. Mandarino cho biết họ sẽ sử dụng chiến lược này trong những thời điểm khó khăn để duy trì tăng trưởng doanh thu quý này qua quý khác.
Ông nói thêm, hàng gia dụng, quần áo và cửa hàng bách hóa có thể phải đối mặt với áp lực lớn nhất trong những tháng tới.
Tham khảo: CNBC
Nguồn từ CafeF