Chính phủ yêu cầu địa phương bù đắp số giảm thu, nếu không, phải cắt giảm nhiệm vụ chi

by quoc_vu
20 views

Công điện của Thủ tướng nêu rõ hiện nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, các địa phương cân đối các nguồn lực để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương, nếu không thì phải thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi…

Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 15/12/2023 gửi bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG HỤT THU TỪ ĐẤT

Công điện nêu rõ tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, công tác thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều ngành, địa phương có tiến độ thu đạt thấp, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách địa phương.

Cùng với đó, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển tuy tăng so với cùng kỳ, song mới đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, vẫn còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và qua công tác quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong chi ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công, tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài, ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động không thuận lợi đến nền kinh tế nước ta.

KHAI THÁC NGUỒN THU CÒN DƯ ĐỊA, NGĂN THẤT THU

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách nhà nước trong tháng 12 năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, cơ quan tập trung quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. 

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu hơn nữa ngân sách nhà nước.

 

“Tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, quyết liệt, hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023”.

Công điện số 1372/CĐ-TTg.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn phát sinh thu, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như: kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu…

“Tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, để đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển”, Thủ tướng lưu ý.

Đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh công tác hoàn thuế, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và theo đúng quy định.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn trong công tác quản lý thu, chống thất thu, hoàn tất các cuộc thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu đầy đủ các khoản thu theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào ngân sách nhà nước, thu hồi nợ thuế.

Ngoài ra, thực hiện việc tái cấu trúc, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình cơ cấu lại.

Tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước chủ động; tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

SỬ DỤNG NGUỒN LỰC ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ BÙ ĐẮP GIẢM THU

Cũng trong công điện này, với trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán năm 2023, Thủ tướng yêu cầu ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo hội đồng nhân dân giải pháp xử lý theo hướng chủ động giữ lại 50% dự toán dự phòng ngân sách địa phương để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Cùng với đó, cân đối các nguồn lực tại chỗ để chủ động bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương như quỹ dự trữ tài chính.

Sau khi sử dụng các nguồn lực của địa phương mà vẫn không đảm bảo bù đắp số giảm thu thì phải thực hiện sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi. Trong đó, cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết biến động tăng/giảm lớn; tạo nguồn để cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo do giảm thu cân đối ngân sách địa phương.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước.

Đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước và nợ công trong phạm vi cho phép.

Song song, triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trong thời gian còn lại của năm 2023 và ngay từ những tháng đầu năm 2024; điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên nhất là trong dịp tết nguyên đán, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.

Nguồn : VnEconomy

You may also like