Gạo và rau quả: Hai “át chủ bài” xuất khẩu nông sản

by quoc_vu
39 views

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ lập kỷ lục cả về khối lượng và kim ngạch với 8,3-8,4 triệu tấn và 4,7- 4,8 tỷ USD. Nếu đạt được con số này, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ vượt qua được Thái Lan về giá trị. Đây là kết quả vượt xa mọi dự tính…

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thưa Thứ trưởng, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 có nhiều biến động, ngành nông nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 54 tỷ USD. Chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm, Thứ trưởng còn tin sẽ đạt được mục tiêu này?

Trong 11 tháng qua, xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 47,84 tỷ USD, vẫn giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13% so với tháng 11/2022. Thặng dư thương mại ngành đạt 10,55 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như tôi đã chia sẻ, năm nay rất khó khăn trong xuất khẩu, nhưng ngành nông nghiệp vẫn bám đuổi mục tiêu 54 tỷ USD. Trong tháng 12, nhu cầu tiêu dùng nông sản thế giới tăng lên để đáp ứng các đợt lễ giáng sinh và năm mới, do đó xuất khẩu nông sản sẽ tăng. Các thị trường đang ấm dần, cộng với nguồn vay 15.000 tỷ đồng được giải ngân thì thủy sản và lâm sản cũng sẽ vươn lên trong thời gian còn lại của năm. 

Với những lợi thế của rau quả, lúa gạo, hạt điều… và sự ổn định trở lại trong xuất khẩu lâm sản, thủy sản, dự tính xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 12 sẽ đem về hơn 5 tỷ USD, như vậy cả năm sẽ trên 53 tỷ USD, tiệm cận với con số 53,2 tỷ USD của năm 2022.

Gạo và rau quả: Hai “át chủ bài” xuất khẩu nông sản  - Ảnh 1

Thứ trưởng nhận định như thế nào về bức tranh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2023?

Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, gồm: cà phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Năm nay, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành, sản phẩm. Trong đó, điểm sáng lớn nhất là xuất khẩu gạo và rau quả liên tục tăng vọt trong nhiều tháng, bên cạnh một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực giảm sâu. Có thể ví von, gạo và rau quả đang là hai con “át chủ bài” của ngành nông nghiệp trong năm 2023.

Đối với lúa gạo, trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,75 triệu tấn gạo, giá trị 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm ngoái. Đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, đây chính là ưu thế. Việt Nam đã và đang xây dựng chuỗi lúa gạo. Vừa rồi, gạo Việt Nam được Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo toàn cầu công nhận là gạo ngon nhất thế giới, một lần nữa khẳng định giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Với kết quả đến thời điểm này, dự tính cả năm 2023 chúng ta có thể xuất khẩu 8,3-8,4 triệu tấn gạo, kim ngạch 4,7-4,8 tỷ USD. Nếu đạt được con số này, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể sẽ vượt qua được Thái Lan về giá trị.

Tuy diện tích trồng lúa giảm, nhưng nhờ áp dụng những tiến bộ kỹ thuật canh tác nên năng suất và sản lượng lúa tiếp tục tăng. Trong 11 tháng, cả nước đã thu hoạch được 41,17 triệu tấn lúa, cả năm sẽ đạt trên 43 triệu tấn, thậm chí có thể đạt 44 triệu tấn. Như vậy, vừa phục vụ cho 100 triệu dân, vừa đảm bảo đủ cho chế biến, dự trữ, chăn nuôi, làm giống cũng như xuất khẩu. Việt Nam sẽ xuất khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua. 

Đối với ngành rau quả, xuất khẩu trong tháng 11/2023 đạt 500 triệu USD, tăng 65,2% so với tháng 11/2022. Tính chung trong 11 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu rau quả đạt 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là quả sầu riêng đạt 2,07 tỷ USD, tăng 606,3%; quả mít đạt 168,6 triệu USD, tăng 35,5%; quả xoài đạt 154 triệu USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu nhóm sản phẩm rau quả chế biến đạt 996,5 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung, trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu, nhóm quả vẫn tập trung chủ yếu dưới dạng tươi và đông lạnh.

Với sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 74%, đã đưa xuất khẩu ngành rau quả vượt xa mọi dự tính của chúng ta, lần đầu tiên con số 5 tỷ USD cho một mặt hàng nông sản đã được thiết lập. Nếu tháng 12/2023, xuất khẩu rau quả vẫn đạt được kim ngạch 500 triệu USD như tháng 11, dự tính kết quả xuất khẩu rau quả cả năm 2023 sẽ đạt 5,8 tỷ USD.

Nếu như trong giai đoạn 2019 -2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, thì đến năm 2023, cơ cấu thị trường đã thay đổi. Xin Thứ trưởng cho biết rõ hơn về điều này?

Chúng ta cũng thấy cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự thay đổi. Chẳng hạn thị trường Trung Quốc dẫn đầu trong tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với khoảng 11,5 tỷ USD trong 11 tháng, chiếm tỷ trọng 23,2%. Năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản, với kim ngạch đến thị trường này 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Thế nhưng trong 11 tháng của năm nay, Mỹ đã bị đẩy xuống vị trí thứ hai trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, chỉ còn chiếm 20,5% thị phần xuất khẩu của toàn ngành, với 9,84 tỷ USD. Nhật Bản vẫn giữ được vị trí thứ ba trong thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta.

Sở dĩ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong năm nay, với mức tăng trưởng 17% là nhờ nhiều Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết trong năm 2022, giúp nhiều loại nông sản đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký kết với Quảng Tây (Trung Quốc) về hợp tác nông nghiệp. Theo đó, hai bên sẽ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh khu vực biên giới để tăng cường xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật thời gian tới. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng và tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có cơ hội ký 4 Nghị định thư với Trung Quốc, để sẽ có thêm 4 sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc là dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu chuyển. Nếu triển khai được các nghị định thư này sẽ có cơ hội đóng góp thêm vào xuất khẩu nông sản cho năm 2023 và đặc biệt những tháng đầu năm 2024.

Hiện nay, cảnh báo SPS từ các thị trường xuất khẩu là vấn đề đáng lo ngại. Thứ trưởng nhận xét như thế nào về vấn đề này?

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn nhận được những cảnh báo SPS (Hiệp định An toàn thực phẩm và An toàn bệnh dịch động, thực vật) từ các thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng nhờ thực hiện tốt quy định SPS, tỷ lệ hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU bị cảnh báo ở mức thấp trong tổng số cảnh báo của EU.

 

“Trong 10 tháng của năm 2023, EU chỉ đưa ra 55 cảnh báo đối với nông sản Việt Nam, chỉ chiếm 1,4% trong tổng số 3.865 cảnh báo mà EU đưa ra với tất cả các nước. Như vậy, tỷ lệ cảnh báo đối với Việt Nam ở mức rất thấp”.

Đơn cử, trong 10 tháng đầu năm 2023, EU đưa ra 3.865 cảnh báo về an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu trên toàn thế giới. Trong đó, chỉ có 55 cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm từ Việt Nam nhập khẩu vào EU, chiếm 1,4%. Như vậy, tỷ lệ bị cảnh báo của Việt Nam ở mức thấp. Rau quả là nhóm hàng bị cảnh báo nhiều nhất với 23 trường hợp, tiếp đó là sản phẩm thủy sản (19) và bánh kẹo và các sản phẩm chế biến khác (13). Vi phạm do dư lượng hóa chất chiếm 58%, vi phạm do độc tố nấm mốc chiếm 9% và vi phạm khác chiếm 33%.

Trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia, đều có một nội dung bắt buộc phải thực hiện là SPS. Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đến nay về cơ bản, chúng ta đã thực thi rất tốt các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh luôn được EU cập nhật thường xuyên.

Theo đó, cứ 6 tháng một lần, EU sẽ rà soát tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường này. Nếu chúng ta vẫn luôn thực thi, chấp hành tốt các quy định trong EVFTA, EU có thể xem xét giảm tần suất kiểm tra, giảm các quy định, thủ tục đối với nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU. Ngược lại, nếu làm không tốt, hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2023 phát hành ngày 11-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Gạo và rau quả: Hai “át chủ bài” xuất khẩu nông sản  - Ảnh 2

Nguồn : VnEconomy

You may also like