Dù CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp, nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát những tháng cuối năm vẫn có khả năng tăng cao do một số nguyên nhân. Đây là thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới…
Kết thúc tuần đầu tiên của tháng 7, thị trường tiền tệ ổn định, lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục giảm mạnh, cho thấy thanh khoản hệ thống dồi dào. Song, giới phân tích cũng cho rằng, chưa thể chủ quan vì còn nhiều thách thức phía trước với điều hành chính sách tiền tệ.
TỶ GIÁ TĂNG MẠNH
Trong tuần từ 3/7 – 7/7, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng, nối tiếp đà tăng 3 tuần liên tiếp. Chốt ngày 7/7, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.833 VND/USD, tăng 33 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nứơc tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.974 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá liên ngân hàng tăng mạnh ở đầu tuần nhưng giảm trở lại ở cuối tuần. Chốt phiên 7/7, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.640 VND/USD, tăng 50 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động trong tuần qua. Chốt phiên 7/7, tỷ giá tự do tăng 90 đồng ở chiều mua vào và 120 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.670 VND/USD và 23.720 VND/USD.
Tuần từ 3/7 – 7/7, lãi suất VND liên ngân hàng biến động theo xu hướng giảm khá mạnh ở hầu hết các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, chỉ đi ngang ở kỳ hạn qua đêm. Chốt ngày 7/7, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,48% (không đổi so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 0,82% (-0,23 %); 2 tuần 1,30% (-0,25 %); 1 tuần 2,85% (-0,12 %).
Lãi suất USD liên ngân hàng ít biến động trong tuần qua. Phiên cuối tuần 7/7, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,84% (không thay đổi); 1 tuần 4,9% (-0,01 %); 2 tuần 5% (không thay đổi) và 1 tháng 5,2% (-0,01 %).
Theo thống kê của nhóm nghiên cứu MSB, tuần qua Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày trên kênh cầm cố. Kỳ hạn 7 ngày là 15.000 tỷ và 28 ngày là 6.000 tỷ, với lãi suất cho cả 2 kỳ hạn đều ở mức 4% (kể từ ngày 5/7, Ngân hàng Nhà nước ngừng chào thầu kỳ hạn 28 ngày). Không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU CPI 4,5% CẦN KIỂM SOÁT TỐT CÁC MẶT HÀNG NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ GIÁ
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, CPI bình quân tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân được Tổng cục Thống kê phân tích là do chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 6 tháng đầu năm tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước bởi một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 (tác động làm CPI tăng 0,49 %).
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI tăng 1,24 %) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,74% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng, tác động làm CPI tăng 0,17 % và chỉ số giá vé máy bay tăng 65,72%; giá vé tàu hỏa tăng 32,34%; giá vé ô tô khách tăng 11,12%. Đặc biệt, giá điện sinh hoạt tăng 3,12% do nhu cầu sử dụng điện tăng và quyết định tăng 3% giá điện của EVN áp dụng từ ngày 4/5, đẩy CPI tăng 0,1 %.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2023. Đó là bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá dầu hỏa giảm 8,94% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm 18,27% theo biến động của giá thế giới (tác động làm CPI chung giảm 0,66 %). Giá gas trong nước giảm 9,99% theo giá thế giới (tác động làm CPI giảm 0,15 %).
Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%). Sở dĩ lạm phát cơ bản tăng cao hơn CPI bình quân là do bình quân giá xăng dầu trong nước 6 tháng đầu năm giảm 18,27% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 9,99%, là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Dù CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lạm phát những tháng cuối năm vẫn có khả năng tăng cao do một số nguyên nhân.
Từ tháng 7, lương cơ bản tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên, có thể dẫn đến giá hàng hóa tăng. Yếu tố giá xăng dầu cũng là một ẩn số. Bên cạnh đó, một trong những hàng hóa do nhà nước quản lý là học phí tới đây cũng có khả năng tăng, khi tháng 9 bắt đầu vào năm học mới, nếu điều chỉnh giá học phí sẽ tạo áp lực lên lạm phát. Thêm nữa, sau đợt tăng giá điện 3% trong tháng 5, tới đây, có khả năng EVN sẽ tiếp tục tăng giá điện để bù chi phí, cũng có thể tác động đến lạm phát. Giá lương thực, thực phẩm cũng thường tăng vào cuối năm.
Ngoài ra, yếu tố cầu kéo của các gói hỗ trợ cũng sẽ tăng vào cuối năm. Vì vậy, dù mục tiêu kiểm soát CPI 4,5% có thể đạt được song vấn đề đặt ra là Chính phủ kiểm soát được tốt các mặt hàng do nhà nước quản lý giá.
Nguồn : VnEconomy