Thị trường trăm triệu USD thiếu nhân lực

by HDgroup
13 views

TS Nguyễn Trung Đông – Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam rất lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn vì mỗi lĩnh vực, mỗi thị trường sẽ có những điểm khác biệt nhất định.

Đáng nói, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn do Việt Nam mới tham gia vào thị trường này nên các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc vào quốc tế.

TP. HCM có khoảng 60 dự án liên quan đến tín chỉ carbon (ảnh minh họa)

Bên cạnh việc Chính phủ xây dựng khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon thì việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng là vấn đề đang được quan tâm.

Theo TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty The VOS, Việt Nam có khoảng 5 tỷ tín chỉ carbon vì lợi thế địa hình trải dài qua 16 độ vĩ tuyến, không những có trữ lượng lớn mà còn có thể phát triển organic carbon.

Còn riêng TP. HCM có khoảng 60 dự án liên quan đến tín chỉ carbon.

Hiện Việt Nam cần khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon. Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng giúp vận hành thị trường tín chỉ carbon.

Dự kiến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm hình thành một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Do đó, vấn đề cấp thiết là đào tạo một lực lượng môi giới chuyên nghiệp để tham gia thị trường này.

Về cơ chế sản xuất giảm phát thải trong chuỗi giá trị lúa gạo, theo đại diện Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL gắn liền với tăng trưởng xanh, đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo.

Tính đến tháng 7/2024, đã có 7 mô hình thí điểm được triển khai, mỗi mô hình có diện tích trung bình 50 ha tại các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp.

Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn đang hợp tác với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) để định giá tín chỉ carbon với mức giá 20 USD/tín chỉ. Nếu nông dân tuân thủ đầy đủ các quy trình, họ có thể giảm được 30% lượng phát thải, tương đương với việc giảm 2 tín chỉ carbon, mang lại lợi ích kinh tế là 960.000 đồng.

Nguồn : https://vietnamfinance.vn/tin-chi-carbon-thi-truong-tram-trieu-usd-thieu-nhan-luc-d114837.html.

You may also like