Sáng 5/2, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã diễn ra Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động truyền thống hằng năm vào những ngày đầu xuân mới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2024 kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu ấn đáng tự hào, như: GDP tăng 7,09%; các cân đối lớn đều giữ vững; nợ công thấp, bền vững; công tác tài chính – NSNN đạt kết quả tích cực… Đây là cơ sở để tăng đầu tư công, tạo vốn mồi cho tăng trưởng kinh tế 2025 và các năm tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, năm 2025 là năm với nhiều dấu mốc quan trọng, năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Chính phủ cũng đang xây dựng và triển khai các giải pháp để phấn đấu đưa các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao hơn kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng GDP 2 con số trong giai đoạn 2026 – 2030.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chỉ đạo ngành chứng khoán cần nỗ lực hơn nữa, tập trung triển khai các giải pháp mạnh mẽ để thị trường tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, khẳng định và phát huy vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế.
Đặc biệt, tăng cường thu hút hàng hóa chất lượng cao niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Trước đó, lãnh đạo UBCKNN cho biết có 5 nhóm giải pháp chính, nhằm đưa thị trường chứng khoán đi theo hướng ổn định, minh bạch và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng hạng thị trường trong năm 2025.
Đầu tiên là hoàn thiện cơ sở pháp lý, gồm tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật, như Nghị định và Thông tư, để đảm bảo nền tảng pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán.
Thứ hai là phát triển sản phẩm và thị trường mới, bao gồm chứng khoán phái sinh, tài chính xanh, tài chính bền vững, thị trường giao dịch tín chỉ carbon và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, thúc đẩy quá trình IPO gắn với niêm yết để tăng tốc độ niêm yết trên thị trường.
Ba nhóm còn lại là tăng cường giám sát và thanh tra, đẩy mạnh thông tin đào tạo và tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự kiến trong quí I, UBCKNN sẽ tổ chức Hội nghị Tiểu ban Khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IOSCO nhằm giới thiệu và thu hút các nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thông tin về các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp điều hành thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, bà Phạm Thị Thùy Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, 2025 là năm quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2025 tại chiến lược này. Do đó, UBCKNN sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường một cách ổn định, minh bạch và bền vững.
Trong đó, tăng cường công tác phát triển các sản phẩm mới, các mảng thị trường mới để đa dạng công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư như các sản phẩm về chứng khoán phái sinh trên các tài sản cơ sở khác nhau, các bộ chỉ số mới, các sản phẩm tài chính xanh, tài chính bền vững. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các mảng thị trường mới như thị trường giao dịch tín chỉ carbon, thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, liên quan đến thị trường giao dịch tín chỉ carbon, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gần đây cũng đã ký Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Theo đề án, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.
Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.
Việc thanh toán giao dịch sẽ do hệ thống tự động thực hiện trên cơ sở kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gửi, đảm bảo nguyên tắc việc chuyển giao hàng hóa được thực hiện đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán. Việc thanh toán tiền cho giao dịch trên sàn giao dịch carbon do ngân hàng thương mại đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước, đảm bảo không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp quốc (COP26), Việt Nam đã cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và tiếp tục tái khẳng định điều này tại COP28 cuối năm 2023. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển năm 2022, ước tính giá trị của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam từ nay đến 2040 là khoảng 368 tỷ USD (tương đương 20 tỷ USD/năm), giống như nhiều quốc gia đang phát triển có điều kiện tự nhiên tương đồng.
Phát triển tài chính xanh, trong đó có chứng khoán xanh hiện nay là một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia với nhiều cách làm, kinh nghiệm hay để Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi. Việc phát triển thị trường chứng khoán xanh cũng được nhận định sẽ là xu hướng tất yếu của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/nhiem-vu-moi-cua-nganh-chung-khoan-thuc-day-tang-truong-xanh-phat-trien-thi-truong-tin-chi-carbon-d122131.html.