Hình thành thị trường tín chỉ carbon: Còn nhiều rào cản
Thị trường carbon (CO2) xuất hiện kể từ thời điểm Liên Hợp quốc chính thức thông qua Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu vào năm 1997, nhằm giải quyết nhu cầu đối với các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ dùng để chỉ chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí C02 hoặc một lượng khí nhà kính quy đổi sang C02 tương đương.
Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, việc phát triển thị trường carbon cũng như tín chỉ carbon tại Việt Nam sẽ không chỉ giúp giảm thiểu tác động của khí nhà kính mà còn tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực công nghệ sạch. Tuy vậy, thị trường này lại vẫn gặp khá nhiều thách thức.
Chia sẻ tại sự kiện diễn ra mới đây, ông Hà Công Tuấn – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, quá trình triển khai các thỏa thuận giao dịch tín chỉ carbon vẫn còn nhiều rào cản, do Việt Nam hiện chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon.
Khi chưa có thị trường chính thức, ông Tuấn đề xuất nhà chức trách nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ ra quốc tế. Bởi theo ông, khả năng và tiềm năng giao dịch tín chỉ carbon ở trong nước còn rất hạn chế.
Ông Hoàng Văn Tâm – Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, việc hình thành thị trường carbon sẽ là cơ hội để có thể định giá việc phát thải, cũng như tính toán được lợi nhuận từ việc giảm phát thải carbon.
Tuy nhiên theo ông Tâm, thách thức của thị trường carbon chính là về năng lực và con người. Khó khăn nữa là về tài chính và công nghệ, khi doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải đòi hỏi những công nghệ mang tính đột phá. Hơn nữa, câu chuyện về tín chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính là những vấn đề còn khá mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội thảo “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam” ThS. Lưu Hạnh Nguyên – Giảng viên Khoa Tài chính- Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ ra các vấn đề của thị trường carbon tuân thủ bao gồm thặng dư trong phân bổ tín chỉ khiến doanh nghiệp thiếu động lực giảm phát thải.
Bên cạnh đó, biến động giá tín chỉ carbon khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư. Ngoài ra, vấn đề lỗ hổng trong cơ chế bù trừ tín chỉ carbon cũng đã làm sụt giảm giá carbon, suy yếu tính ổn định thị trường.
Cuộc chơi dài hạn, đòi hỏi đầu tư lớn
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường carbon, ThS. Lưu Hạnh Nguyên cho rằng cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về thị trường tín chỉ carbon, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tiêu chuẩn hóa hệ thống MRV, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tham gia các cơ chế carbon toàn cầu và tăng cường tính minh bạch và chống lại hiện tượng tẩy xanh.
Ông Hoàng Văn Tâm cho rằng, nhận thức về các vấn đề liên quan đến kiểm kê phát thải khí nhà kính từ người đứng đầu doanh nghiệp, cho đến các bộ phận chuyên môn kỹ thuật đều cần phải được nâng cao hơn nữa, hướng đến thị trường carbon mang tính bắt buộc.
“Các doanh nghiệp sẽ phải có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng của thị trường carbon để đón trước những xu thế và bắt kịp tạo thành cơ hội. Việc hình thành thị trường carbon cũng cần những quy định chặt chẽ để đem lại hiệu quả cao cho toàn xã hội trong công cuộc về giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là những mục tiêu rất tham vọng trong dài hạn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Tâm nêu rõ.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng với các dự án tín chỉ carbon, có thể đến từ nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, nước sạch…
Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách – Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý, giá trị tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp lại không cao.
“Vai trò của thị trường carbon hiện nay là cực kỳ quan trọng. Thường khi nhắc đến carbon, chúng ta hay nghĩ ngay đến rừng hoặc sản xuất nông nghiệp như lúa gạo. Nhưng thực tế, giá trị từ các lĩnh vực này là rất nhỏ và không được khuyến khích. Thị trường tín chỉ carbon chủ yếu xoay quanh năng lượng tái tạo, xe điện và các công nghệ giảm phát thải lớn”, ông Thọ nói.
Ông Thọ cũng chỉ ra thực tế, hiện nay, TP. HCM chưa có trung tâm xử lý phát thải tập trung. Nếu thành phố xây dựng được một trung tâm như vậy, không chỉ giúp kiểm soát ô nhiễm tốt hơn mà còn có thể tận dụng cơ hội phát hành tín chỉ carbon. “Chỉ riêng từ dự án này, TP. HCM có thể tiết kiệm từ 300 triệu đến 300 tỷ USD, một con số vô cùng ấn tượng”, ông Thọ khẳng định.
Cũng theo ông Thọ, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về thị trường carbon để tận dụng cơ hội tiềm năng này. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là hướng đi giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh.
PGS, TS Nguyễn Đình Thọ cũng cho rằng, cần thực hiện kiểm kê, báo cáo và xác nhận tín chỉ carbon, điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về công nghệ và chi phí. Việc áp dụng chuyển đổi số, công nghệ đám mây hay blockchain được coi là chìa khóa để quản lý và khai thác hiệu quả tín chỉ carbon.
“Nếu chỉ tập trung vào tín chỉ carbon từ lâm nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc kết nối giữa thị trường tín chỉ bắt buộc và tự nguyện, cùng với hợp tác đa phương theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, sẽ giúp nâng cao giá trị tín chỉ carbon của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, vị chuyên gia này lưu ý.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/thi-truong-tin-chi-carbon-tam-nhin-dai-han-bat-kip-xu-the-de-tao-ra-co-hoi-d122822.html.