Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký quyết định ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Nghị quyết chỉ rõ kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.
Về vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).

– Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đã được xác như thế nào trong Nghị quyết, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Ấn tượng đầu tiên của tôi là Nghị quyết 68 đã đánh giá đúng vai trò, vị trí và sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân cho đến nay và đặc biệt cho phát triển kinh tế xã hội của chúng ta trong tương lai.
Thứ hai, Nghị quyết đã đưa ra một hệ thống khá đồng bộ, khá đầy đủ, khá quyết liệt các giải pháp giải quyết hai vấn đề căn bản đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân của chúng ta hiện nay, đó là doanh nghiệp không muốn lớn và doanh nghiệp không thể lớn được.
Tiếp đó, trong số các giải pháp, tôi rất ấn tượng với việc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm và ít người bàn luận đến. Thậm chí, các văn bản, kiến nghị cũng không đầy đủ, không triệt để.
Lần này trong Nghị quyết đã đi khá đầy đủ và khá cụ thể những giải pháp không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đồng thời, có giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực thanh tra, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Cuối cùng, cũng trong văn bản này, Bộ Chính trị đã quyết định đưa vào Nghị quyết quy định mỗi năm chỉ được thanh tra một lần. Đối với một doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là giải pháp ấn tượng, tạo động lực lớn. Vì lâu nay doanh nghiệp kinh doanh đa ngành khi lớn lên đều cảm thấy không an toàn vì gặp những rủi ro pháp lý. Từ đó, do dự trong việc mở rộng đầu tư kinh doanh, thậm chí là chấm dứt không mở hoạt động kinh doanh.
– Nghị quyết đã đặt ra các mục tiêu cao nhưng thời gian thực hiện lại tương đối ngắn. Ví như mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 chẳng hạn, chúng ta chỉ còn chưa đầy 5 năm nữa để thực hiện mục tiêu này?
TS Nguyễn Đình Cung: Đúng là Nghị quyết đề ra giải pháp và mục tiêu đạt rất cao trong một thời gian tương đối ngắn. Để đạt được mục tiêu cao trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra một áp lực cực kỳ lớn đối với Chính phủ cũng như là các cơ quan để thực thi Nghị quyết.
Tôi cảm nhận nhận thấy, hiện nay giữa mục tiêu, giải pháp và cách thức thực hiện thì cách thức thực hiện chưa đủ mức khác biệt để tạo ra một sự thay đổi căn bản, có tính bước ngoặt trong thời gian ngắn để đạt mục tiêu lớn.
Tôi cho rằng cách thức thực hiện hiện nay vẫn dựa vào Chính phủ, Quốc hội, các bộ, địa phương ban hành kế hoạch hành động. Tuy nhiên, phương pháp này gặp nhiều thách thức do còn phụ thuộc vào bộ máy hành chính nhà nước và khả năng thực thi Nghị quyết. Cách làm này thường chậm, ví dụ như mất từ 3 – 6 tháng để xây dựng kế hoạch, đến khi hoàn thành đã hết năm 2025 rồi.
Về rà soát, bãi bỏ điều kiện kinh doanh và tháo gỡ điểm nghẽn, tôi nhận thấy nhiều bộ vẫn còn nhiều quan điểm cục bộ, lợi ích nhóm và thiếu khách quan, độc lập, toàn diện trong quá trình đánh giá. Điều này làm giảm tính nhất quán, cẩn trọng và triệt để của quá trình cải cách.
Do đó, tôi cho rằng, để đạt hiệu quả cao, cách thức thực hiện cần có sự chỉ đạo rõ ràng từ trên xuống, mang tính bắt buộc, mạnh mẽ. Nhìn lại, các đề án về tinh giản bộ máy, cải cách thể chế, tháo gỡ rào cản phát triển kinh tế tư nhân đều cần một cuộc cách mạng thực sự: bỏ đi nhiều quy định không còn phù hợp, giảm thiểu số lượng văn bản pháp luật, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển từ kiểm soát hậu kiểm sang kiểm soát phòng ngừa, và từng bước thay đổi hệ thống quản lý nhà nước. Đây chính là bước ngoặt của hệ thống thể chế.

Về phía Chính phủ, tôi đề nghị thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, tâm huyết, tham gia trực tiếp với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiệm vụ của tổ là rà soát, đánh giá khách quan các quy định, điều kiện kinh doanh, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp thực tiễn. Chỉ có như vậy mới làm rõ đúng mức các số liệu, đưa ra các đề xuất chính xác, thúc đẩy phát triển tư nhân.
Nếu thực hiện đúng các nhiệm vụ này, tôi tin rằng đến năm 2025 chúng ta mới có thể hoàn tất công cuộc rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, từ đó giảm chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp. Hiện tại, một số mục tiêu như đạt 1 triệu doanh nghiệp vào 2020 hay 2 triệu vào 2030 đều chưa đạt do không có đánh giá khách quan và đầy đủ.
– Với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, thì mỗi năm chúng ta phải có thêm 200.000 doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều biến động thì đây chắc hẳn việc thực hiện mục tiêu này cung không đơn giản?
TS Nguyễn Đình Cung: Trong đó, để đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào 2030, mỗi năm cần tạo ra khoảng 200.000 doanh nghiệp mới. Tốc độ tăng trưởng này cần đạt trung bình 10-20% mỗi năm, tương tự các nền kinh tế phát triển. Hiện nay, tốc độ tăng doanh nghiệp của chúng ta chỉ khoảng 3-4% hoặc thấp hơn, thậm chí có năm âm, cho thấy rõ sự chậm trễ hoặc thiếu động lực phát triển.
Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần thực hiện đầy đủ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ, cùng với các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là toàn bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết 68.
– Vậy việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nên được tiến hành như thế nào?
TS Nguyễn Đình Cung: Muốn đạt được mục tiêu có 200.000 doanh nghiệp tham gia, trước tiên phải cải thiện mạnh mẽ thủ tục gia nhập thị trường và thành lập doanh nghiệp. Chúng ta cần tạo ra môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, an toàn và tin cậy để doanh nghiệp yên tâm hoạt động, đầu tư.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, môi trường kinh doanh phải thúc đẩy sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm xã hội – đó chính là nền tảng để phát triển.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần rút ra kinh nghiệm từ những lần trước. Theo tôi, việc giao trách nhiệm cho một bộ hoặc cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện mục tiêu là rất quan trọng. Người đứng đầu phải có trách nhiệm rõ ràng và thực sự quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần có một đội ngũ độc lập, chuyên trách theo dõi, đánh giá và kiến nghị các giải pháp, đề xuất kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình thực hiện, đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và hàng năm là rất cần thiết. Qua đó, rõ ràng chúng ta sẽ thấy lý do vì sao số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng hay giảm, và từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để xử lý bất cập. Nếu có một cá nhân hoặc cơ quan đủ thẩm quyền, tâm huyết, và có trách nhiệm, thì chắc chắn quá trình này sẽ hiệu quả và sinh động hơn.
Tôi hy vọng rằng lần này, chúng ta sẽ có cách tư duy mới, hệ thống giải pháp đồng bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 68, thực thi quyết liệt để mục tiêu đề ra có thể đạt được. Chúng ta cần tránh cách làm theo lối truyền thống; nếu cứ duy trì theo cách cũ, mục tiêu khó có thể hoàn thành — điều đó sẽ làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước.
Thay vào đó, chúng ta phải chủ động quan sát, lắng nghe ý kiến, đề ra các cách làm khác, sáng tạo hơn. Quốc hội, các cơ quan liên quan cần góp ý, bàn luận nhiều hơn để tổ chức thực hiện hiệu quả hơn. Chúng ta có thể sửa sai, điều chỉnh để phù hợp hơn và tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị, tổ chức tốt và hệ thống giải pháp đồng bộ, mục tiêu của Nghị quyết 68 sẽ thành công.
Trong kỳ họp lần này, Quốc hội cần ban hành một nghị quyết đặc biệt về phát triển kinh tế tư nhân, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý đối với hàng ngàn dự án đầu tư hiện nay. Việc loại bỏ các rào cản này sẽ giải phóng nguồn lực lớn, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong năm nay và những năm tới. Đây là một giải pháp không thể thiếu, có thể quyết định sự thành công của các mục tiêu phát triển, đồng thời tăng niềm tin về khả năng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68 như đã đề cập.

– Đó là những giải pháp về phía cơ quan quản lý nhà nước. Còn với cộng đồng doanh nghiệp, ông có khuyến nghị gì cho họ trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại?
TS Nguyễn Đình Cung: Về phía doanh nghiệp, tôi xin đề xuất và kiến nghị một số giải pháp để các doanh nghiệp có thể tự lớn lên, tự phát triển theo tinh thần của Nghị quyết. Thực tế, tôi không nghĩ rằng Nhà nước có thể hoặc cần “can thiệp” quá sâu vào nền kinh tế cũng như hoạt động của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp vốn là những chủ thể thông minh. Do đó, quan trọng nhất là tạo cơ hội, xây dựng điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Muốn lớn mạnh và mở rộng quy mô, doanh nghiệp không thể tiếp tục đầu tư theo kiểu tràn lan, tùy tiện và quản lý theo lối cũ, thiếu khoa học. Thay vào đó, cần quản lý chuyên nghiệp, có hệ thống, ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến, chuyên môn hoá. Điều này đòi hỏi người quản lý, nhà đầu tư phải liên tục học hỏi, thay đổi tư duy để thích nghi với xu thế và cảnh quan phát triển mới.
Chỉ khi đó, chúng ta mới tận dụng tốt các cơ hội phát triển bền vững thay vì theo kiểu ngắn hạn. Đồng thời, vấn đề kinh doanh có trách nhiệm cũng phải được đặt lên hàng đầu. Doanh nghiệp không chỉ hướng tới lợi ích riêng mà còn phải có trách nhiệm xã hội, coi tài sản là tài sản của cộng đồng, sản phẩm của xã hội – người chủ doanh nghiệp cần có tinh thần cống hiến, đam mê và ý thức phục vụ lợi ích chung. Khi doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên tinh thần đó, thì sự phát triển sẽ bền vững hơn về cả lâu dài và xã hội.
– Trong nghị quyết cũng xác định rõ các giải pháp xây dựng đội ngũ doanh nhân và thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm. Vậy điểm mấu chốt để Việt Nam có được đội ngũ kinh doanh có trách nhiệm là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Đình Cung: Điểm then chốt vẫn nằm ở việc tháo bỏ các rào cản pháp lý và tạo điều kiện thực thi quyết liệt hơn. Mặc dù Tổng Bí thư đã nhấn mạnh và Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết, song kết quả vẫn chưa đủ rõ nét. Vấn đề nằm ở cách làm, phương pháp thực thi.
Chúng ta cần có cách tiếp cận mới, đổi mới phương thức hành động, tránh chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà phải chuyển sang hành động quyết liệt, đáng tin cậy. Chính phủ giữ vai trò trung tâm trong việc đề xuất các giải pháp, còn Quốc hội tham gia thông qua luật, đề xuất chính sách phù hợp, dựa trên các đề xuất và kiến nghị cụ thể. Phân định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách là rất quan trọng.
Ngoài ra, cần có nguyên tắc rõ ràng về xử lý tài sản hợp pháp, phi pháp, và đặc biệt là tập trung vào xử lý hậu quả của các vi phạm một cách dân chủ, minh bạch. Những nguyên tắc này sẽ chi phối toàn bộ quá trình tố tụng, đấu tranh chống tiêu cực, và thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, để thực thi hiệu quả các nguyên tắc này, cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định liên quan. Phải thay thế cái cũ bằng những mô hình mới, triệt để loại bỏ các hệ thống lạc hậu để tạo ra một nền tảng pháp lý thực sự năng động, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/ts-nguyen-dinh-cung-toi-rat-an-tuong-viec-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te-d126399.html.