Phát biểu tại buổi ra mắt chương trình “Chống gian lận, bảo vệ người dùng”, ông Nguyễn Đăng Sinh – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) – nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và phối hợp toàn diện giữa các lực lượng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Chỉ trong vòng một tháng (từ 3/5 đến 3/6/2025), Bộ Công an đã khởi tố 36 vụ án, xử lý 119 đối tượng liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ, trải rộng trên 24 tỉnh, thành trong cả nước. Con số này, theo ông Sinh, mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
“Từ 15 tháng 5 đến nay, rất nhiều vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, dầu ăn đã bị phát hiện. Riêng Hiệp hội chúng tôi đã chuyển bốn hồ sơ nghiêm trọng sang cơ quan công an để điều tra,” ông Sinh cho biết.
Ông Sinh đánh giá, tình trạng hàng giả đang có xu hướng gia tăng cả về mức độ tinh vi lẫn quy mô phân phối. Điều này không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn làm xói mòn niềm tin vào thị trường nội địa, gây tổn hại nghiêm trọng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Cuộc chiến này không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chức năng, mà là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó truyền thông có vai trò then chốt. Công tác truyền thông cần tập trung vào việc chỉ rõ cách thức vi phạm, hệ lụy đối với sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời lan tỏa thông tin về các doanh nghiệp chân chính đang ngày đêm chống chọi với nạn hàng giả để giữ gìn thương hiệu,” ông Sinh nói thêm.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, ông Nguyễn Đăng Sinh cũng chia sẻ về những hoạt động kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn – đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm.
Một trường hợp cụ thể là vụ kiểm tra tại một doanh nghiệp sản xuất sữa diễn ra cuối tháng 3, do Hiệp hội phối hợp cùng Cục An toàn thực phẩm thực hiện. Sau đợt này, hàng loạt sai phạm liên quan đến an toàn thực phẩm bị phát hiện.

Ông Sinh cho rằng đây là một điển hình cho cách hành động “đi trước một bước”, thay vì đợi xảy ra hậu quả mới xử lý. “Cần thay đổi tư duy quản lý, từ bị động sang chủ động, từ hành chính sang kiến tạo, và quan trọng nhất là phải xử lý thật nghiêm các vi phạm đã được phát hiện,” ông nhấn mạnh.
Bàn về chính sách dài hạn, ông Sinh dẫn Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 5/6/2025, trong đó xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo ông, để tư nhân phát triển nhanh và hiệu quả, nhà nước phải kiến tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, mà điều kiện tiên quyết là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống gian lận thương mại và triệt tiêu hàng giả.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, thương mại điện tử và kinh doanh qua mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, ông Sinh cảnh báo: “Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Nếu không kiểm soát tốt, hàng giả sẽ dễ dàng luồn lách trên không gian mạng, gây hậu quả lâu dài cho người tiêu dùng và làm méo mó thị trường.”
Do đó, ông cho rằng chính sách cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời cập nhật các hướng dẫn mới liên quan đến hoạt động kiểm soát thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến.
Ông Nguyễn Đăng Sinh cũng kêu gọi: “Chống hàng giả không thể chỉ trông chờ vào một lực lượng nào đó. Đây là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta – vì một thị trường lành mạnh, vì danh dự của hàng Việt và vì quyền lợi của từng người dân”.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/mot-thang-khoi-to-36-vu-hang-gia-moi-chi-phan-noi-cua-tang-bang-chim-d127852.html.