Để kinh tế Việt Nam vượt qua những biến động khó lường từ nền kinh tế toàn cầu cùng những thách thức mới phát sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, nhấn mạnh tới việc nắm bắt thời cơ từ các mô hình kinh tế mới như: kinh tế số, kinh tế xanh… để tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững…
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam (Vietnam New Economy 2023) với chủ đề: “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều ngày 6/10, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định phát triển bền vững vừa là quan điểm, vừa là mục tiêu xuyên suốt, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm qua các thời kỳ.
KHAI PHÁ TIỀM NĂNG MÔ HÌNH KINH TẾ SỐ, KINH TẾ XANH
Phác họa lại bức tranh đầy “màu xám” của kinh tế thế giới hiện nay, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu rõ thế giới đang đối diện với những khó khăn, thách thức đa tầng, từ vấn đề lạm phát, gia tăng nợ công, xung đột vũ trang Nga – Ukraine đến cạnh tranh địa chính trị và những bất ổn từ thiên tai, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu… Tất cả đưa đến nguy cơ suy thoái kinh tế, thậm chí khủng hoảng.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo về những thách thức làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến một “thập kỷ mất mát” khiến nghèo đói nhiều hơn.
“Những vấn đề này càng chồng chất thêm các khó khăn, thách thức cho các quốc gia trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”, ông Trung bày tỏ.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, mặc dù thế giới đã đi được nửa chặng đường, song kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs hiện rất đáng quan ngại với chỉ 12% mục tiêu cụ thể đang đi đúng tiến độ.
“Những biến động lớn của thế giới cùng với thách thức từ biến đổi khí hậu, gia tăng nhiệt độ toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải đẩy nhanh đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.
Trong đó, các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang thể hiện vai trò tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế trên thế giới”.
Lấy dẫn chứng về những tiềm năng to lớn từ các mô hình kinh tế mới đem lại cho các quốc gia, khu vực trên thế giới, ông Trung cho biết, tại Mỹ, kinh tế xanh đã tạo việc làm cho 9,5 triệu lao động, đóng góp trên 7% GDP, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD/năm.
Trong khi đó, tại các nước OECD, con số tương ứng là 17,5 triệu lao động và 12% GDP, tương đương 2,9 nghìn tỷ USD/năm.
Còn đối với Việt Nam, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia.
Theo ông Trung, với lợi ích và tiềm năng rất lớn từ các mô hình kinh tế mới và nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội theo quan điểm phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến năm 2030 phù hợp với bối cảnh mới và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều chiến lược nhằm thúc đẩy các mô hình kinh tế mới đã được ban hành trong thời gian gần đây.
“Những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, vừa tạo hành lang pháp lý để triển khai các mô hình kinh tế mới, vừa tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh và tình hình mới”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
NĂM VẤN ĐỀ CẦN LƯU TÂM
Phát biểu tại diễn đàn, ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở 5 vấn đề liên quan đến các mô hình kinh tế mới trong thời gian tới.
Thứ nhất, các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ với nhau và đều dựa trên một nền tảng quan trọng đó là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do vậy, ưu tiên đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để triển khai thực hiện thành công các mô hình kinh tế mới.
Thứ hai, đích đến của các mô hình kinh tế mới tựu chung đều do con người và vì con người, lấy con người là trung tâm nên khi triển khai các mô hình kinh tế mới cần đảm bảo nguyên tắc công bằng, bình đẳng.
Do vậy, cần có lộ trình giảm thiểu các tác động tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi trong quá trình này.
Thứ ba, việc triển khai các mô hình kinh tế mới cần có sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của tất cả các bên liên quan.
Trong đó, “Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo lập khung khổ thể chế chính sách, hỗ trợ ban đầu và cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công”, ông Trung lưu ý.
Thứ tư, việc triển khai các mô hình kinh tế mới luôn cần nắm bắt kịp xu thế tiến bộ của thế giới, đặc biệt là các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, đổi mới sáng tạo. Do vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin.
Vì vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn, doanh nghiệp FDI cần phát huy vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc tiếp cận, chuyển giao các mô hình, công nghệ mới có tính dẫn dắt và là xu thế của thời đại.
Thứ năm, các quốc gia phát triển, nơi mà các mô hình kinh tế như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang được triển khai mạnh mẽ và rộng khắp cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong việc thúc đẩy triển khai các mô hình kinh tế mới để cùng hướng tới lợi ích chung, mục tiêu chung của toàn cầu về khí hậu và phát triển bền vững.
“Chúng ta đều chung một nhận thức rằng việc thúc đẩy triển khai các mô hình kinh tế mới được xem là yếu tố then chốt hướng tới một thế giới thịnh vượng, bền vững, xanh hơn, sạch hơn. Việc triển khai các mô hình kinh tế mới cũng là yếu tố tiên quyết để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như các quốc gia trên thế giới đã cam kết tại Hội nghị COP26″, ông Trung nhấn mạnh.
Nguồn : VnEconomy