Theo dự báo năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 45 tỷ USD. Điểm đáng chú ý là hình thức bán hàng qua các buổi livestream (bán hàng trực tiếp) sẽ tiếp tục phát triển, và trở thành kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả của các đơn vị phân phối.

Bán hàng trực tiếp thông qua livestream tiếp tục bùng nổ
Thời gian gần đây, đặc biệt là ngay trong năm 2024, chúng ta không còn xa lạ gì với hoạt động livestream bán hàng trên không gian mạng, xu hướng này đã và đang trở thành kênh mua sắm của phần lớn giới trẻ trên các sàn thương mại điện tử.
Chúng ta cũng đã thấy những buổi phát trực tiếp với hàng ngàn lượt xem, các sản phẩm cháy hàng chỉ trong vài phút đang diễn ra ngày càng nhiều và dần trở thành một kênh phân phối của các nhà bán lẻ.
Năm 2025, phương thức livestream bán hàng này sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa khi tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam hiện đang đứng top đầu của khu vực Đông Nam Á với dự báo quy mô thương mại điện tử có thể đạt 45 tỷ USD trong năm nay.
Giới trẻ đang ngày càng ưu thích khám phá, và mua sắm qua các kênh thương mại điện tử, đặc biệt là thông qua phương thức livestream. Theo phần lớn chị em văn phòng, hoạt động livestream bán hàng diễn ra nhiều, đi kèm với đó là có nhiều sản phẩm giá cả phải chăng nên thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
Chị Hoàng Thị Hồng (Tp.Vinh, Nghệ An), người vốn dành nhiều thời gian để mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử, cho biết: Thực tế công việc bộn bề nên khó có thể rời văn phòng, trong khi người ta livestream bán hàng trực tiếp trên nhiều nền tảng mạng xã hội, hay TikTok Shop đều tiện lợi. Vì vậy, tôi vẫn thường hay mua sắm qua các kênh bán hàng như livestream”.
“Việc mua sắm online từ nhiều năm nay nó như trở thành thói quan của cá nhân tôi, thậm chí tôi thấy nhiều chị em cũng lựa chọn phương thức mua sắm này ngày càng nhiều”, chị Hồng chia sẻ.
Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, nhièu đơn vị kinh doanh nhỏ đã áp dụng phương thức bán hàng mới dựa trên công nghệ. Họ học hỏi và dần tự vận hành và thực hiện phân phối bằng cách tổ chức các phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ vậy, đã góp phần cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm và giữ chân khách hàng lâu hơn.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, phương thức livestream bán hàng này sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa khi tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam hiện đang đứng top đầu của khu vực Đông Nam Á.
Dự báo nhiều triển vọng
Báo cáo mới đây từ NielsenIQ cho thấy, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Đáng chú ý, hành vi mua sắm của người Việt đang có xu hướng chuyển dịch từ kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tạp hoá sang siêu thị tiện lợi và trên các nền tảng thương mại như Shopee, TikTokShop,… để có thể tận dụng các ưu đãi, giảm giá cũng như thuận tiện về thanh toán.
Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Điều thú vị là khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Báo cáo của AppotaPay cho thấy, có 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng thương mại điện tử đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.
Ngoài ra, báo cáo từ AppotaPay cũng nhấn mạnh rằng, tiêu dùng bền vững không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc để hàng hóa Việt Nam có thể vươn xa trên thị trường quốc tế. Dự báo trong năm 2025, thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ và đóng góp vào mục tiêu 20% GDP của kinh tế số.
Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, ông Trần Minh Tuấn, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực.
Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhất là từ phương thức bán hàng mới livestream đang tạo nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hành vi người tiêu dùng nhiều thay đổi, đi kèm đó là sự phát triển ồ ạt của nhiều công nghệ mới nổi cũng đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2025.
Vì vậy, để không bị tụt lại phía sau, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Nguồn : https://thuongtruong.com.vn/news/nam-2025-du-bao-quy-mo-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-se-dat-45-ty-usd-133649.html.