Thủy sản đánh bắt có thể bị cấm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ do quốc gia này không công nhận các biện pháp quản lý, bảo tồn thú biển của Việt Nam.
Cục Quản lý đại dương
và khí quyển, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa ra thông báo về phán quyết sơ bộ không công
nhận tương đồng các biện pháp quản lý và bảo tồn thú biển của Việt Nam đối với
12 nghề khai thác hải sản, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy
sản Việt Nam (VASEP).
Với phán quyết này, nhiều
loại thủy sản đánh bắt của Việt Nam sẽ nằm trong diện bị ảnh hưởng, có thể kể đến
như cá ngừ, cá kiếm, cá mú, cua, mực.
Lý do được phía Hoa Kỳ
đưa ra là bởi chưa có sự đảm bảo mang tính chắc chắn rằng Việt Nam triển khai các
giải pháp hạn chế gây sát thương hoặc đánh bắt không có chủ ý đối với các loài
thú biển và không đảm bảo sự tương thích đối với những biện pháp và quy định của
Hoa Kỳ.
Nước này đánh giá, Việt
Nam mới chỉ dự kiến một số giải pháp nhằm giám sát thú biển bị đánh bắt chứ chưa
ban hành quy định cụ thể.
Phía Hoa Kỳ đề nghị Việt
Nam khẩn trương bổ sung bằng chứng và tiến độ thực hiện quản lý đối với thủy sản đánh bắt trên cơ sở đảm bảo tương thích với quy định của Hoa Kỳ trước tháng
4/2025. Sau đó, Hoa Kỳ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào ngày 30/11/2025.
Nếu Hoa Kỳ tiếp tục giữ
nguyên kết luận như phán quyết sơ bộ, các loại thủy sản đánh bắt có nguồn gốc từ
12 nghề khai thác hải sản không được công nhận tương thích sẽ bị cấm xuất khẩu
sang Hoa Kỳ kể từ năm 2026.
Ngoài ra, ông Nguyễn
Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, cho biết thêm, Hoa Kỳ còn có kế hoạch mở rộng
chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu, đi kèm với nhiều yêu cầu về cung cấp
thông tin hơn, qua đó làm phát sinh thêm đáng kể chi phí tuân thủ cho các nhà
xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
“Hoa Kỳ là thị trường
lớn nhất đối với thủy sản Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam
đạt 1,8 tỷ USD năm 2024. Nếu không giải quyết kịp thời các vấn đề, việc xuất khẩu
thủy sản sang Hoa Kỳ cũng như uy tín ngành hàng thủy sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng
nghiêm trọng”, đại diện VASEP nhấn mạnh.
Báo cáo với Bộ Nông
nghiệp và môi trường, ông Nam đề nghị thành lập tổ công tác nhằm rà soát hồ sơ đăng
ký tương đương đối với nghề khai thác thủy sản và lên kế hoạch phù hợp nhằm hoàn
thiện hệ thống quản lý, bảo vệ thú biển theo định hướng của phía Hoa Kỳ.
Đồng thời, làm công tác
ngoại giao đề nghị Hoa Kỳ gia hạn thêm thời gian cung cấp bằng chứng, thay vì
thời hạn 1/4/2025 như hiện tại.
Trước đó, năm 2017, thủy
sản đánh bắt của Việt Nam bước vào thời kỳ khó khăn do chính thức bị phía Liên
minh châu Âu (EU) đưa cảnh cáo “thẻ vàng” về việc khai thác bất hợp pháp, không
báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kể từ đó đến nay, công
tác gỡ thẻ vàng IUU được Nhà nước hết sức quan tâm, phối hợp với địa phương và doanh
nghiệp, ngư dân triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, gần tám năm đã trôi qua,
Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU.
Xuất khẩu thủy sản: Cửa sáng nhưng nhiều rủi ro
1 tuần
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nhưng vẫn phải đối diện với không ít rủi ro, thách thức.
Xuất khẩu thủy sản: Cửa sáng nhưng nhiều rủi ro
1 tuần
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm nhưng vẫn phải đối diện với không ít rủi ro, thách thức.
Nguồn : https://theleader.vn/thuy-san-danh-bat-dung-truoc-nguy-co-bi-cam-xuat-khau-vao-hoa-ky-d39416.html .