Thể chế mạnh và chính phủ hành động

by HDgroup
0 views

Sáng 13/5, tại tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do VietnamFinance tổ chức, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã cùng khẳng định vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nghị quyết 68/NQ-TW do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành được xem là một dấu mốc quan trọng, mở ra chương mới trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, khi lần đầu tiên xác lập kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

Tư nhân lực đẩy tăng trưởng và chỗ dựa cho an sinh

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, suốt hơn ba thập kỷ kể từ Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã chứng minh vai trò không thể thay thế trong tiến trình tăng trưởng của Việt Nam.

“Không có hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, chúng ta khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng như hiện nay. Cũng không thể có một xã hội tiến bộ như hôm nay,” ông Bình nhấn mạnh.

TS. Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam

Theo ông Bình, tăng trưởng của khu vực tư nhân không chỉ thể hiện qua quy mô sản xuất, mà còn thể hiện ở chất lượng sống của người dân. Năm 2024, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.700 USD, tăng gấp 50 lần so với năm 1986. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm khoảng 13% dân số và được dự báo sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Trong vòng 25 năm tới, một nửa dân số Việt Nam có thể gia nhập tầng lớp thu nhập trung lưu nền tảng cho một xã hội tiêu dùng bền vững.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 1,93% (năm 2024) là một minh chứng cho hiệu quả lan tỏa của kinh tế tư nhân đến các vùng nông thôn, miền núi nơi từng bị xem là “vùng trũng” của phát triển.

Không dừng ở đó, tư nhân còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Tính đến cuối năm 2024, có hơn 19 triệu lao động tư nhân tham gia bảo hiểm xã hội, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho ngân sách nhà nước trong việc triển khai các chính sách y tế, giáo dục và hỗ trợ người yếu thế.

“Kinh tế tư nhân không chỉ tạo ra của cải vật chất, mà còn hiện thực hóa lý tưởng ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’ trong định hướng xã hội chủ nghĩa,” TS. Bình khẳng định.

Thể chế mạnh dẫ dắt tư nhân bứt phá

Dù ghi nhận nhiều đóng góp, các chuyên gia cũng cho rằng khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn chưa thực sự bứt phá tương xứng với tiềm năng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, – Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong tổng giá trị xuất khẩu khoảng 400 tỷ USD năm 2024, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 300 tỷ USD, trong khi khu vực tư nhân trong nước chỉ chiếm khoảng 100 tỷ USD và một nửa trong số đó đến từ nông nghiệp.

“Nền công nghiệp Việt Nam hiện gần như không có sự hiện diện thực chất của doanh nghiệp tư nhân,” ông Nghĩa thẳng thắn đánh giá.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Ông cho rằng nguyên nhân không nằm ở việc xem nhẹ tư nhân, mà ở thể chế yếu, chính sách thiếu nhất quán, khiến môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á dù tập trung phát triển tư nhân vẫn thất bại, thì các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan lại thành công nhờ có chính phủ mạnh, chiến lược rõ ràng và cấu trúc tài chính ổn định.

Đáng chú ý, TS. Nghĩa cảnh báo rằng cấu trúc tài chính của Việt Nam đang nghiêng lệch về bất động sản. Cả tín dụng ngân hàng và thị trường trái phiếu hiện đều tập trung vốn vào lĩnh vực này, đẩy lãi suất lên mức 12–15%, gây khó khăn lớn cho đầu tư sản xuất đặc biệt là các ngành công nghiệp non trẻ.

“Không một nền công nghiệp đang hình thành nào có thể sống nổi với mặt bằng lãi suất như vậy,” ông nói.

Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu cơ chế tài trợ nghiên cứu – phát triển (R&D) trong khu vực tư nhân. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản đã chủ động đầu tư hàng chục tỷ USD vào doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng để tư nhân phát triển mạnh mẽ, cần tháo gỡ ba điểm nghẽn cốt lõi:

Nhận thức chưa đầy đủ và chưa thống nhất trong hệ thống về vai trò của kinh tế tư nhân.

Thể chế và chính sách còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, trong khi cải cách còn chậm.

Năng lực nội tại của doanh nghiệp tư nhân còn yếu, thiếu kết nối chuỗi, chưa hình thành được hệ sinh thái hỗ trợ.

Ông Toản nhấn mạnh: trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu vẫn coi khu vực tư nhân là “bổ sung” thay vì “trụ cột”, Việt Nam sẽ khó tạo được đột phá.

PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Dẫn lại bài học lịch sử, ông Toản cho rằng, tư duy áp đặt từng khiến hợp tác xã nông nghiệp thất bại sau năm 1975. Chỉ khi Nhà nước trao lại quyền làm chủ thực chất vào năm 1993, nông nghiệp mới phục hồi. Câu chuyện hôm nay với tư nhân cũng như vậy: không thể phát triển nếu vẫn bị trói buộc bởi tư duy cũ kỹ.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất rằng Nghị quyết 68 đã mở ra một cơ hội mang tính bước ngoặt, nhưng để hiện thực hóa được vai trò “động lực trung tâm” của kinh tế tư nhân, cần có hành động quyết liệt và đồng bộ từ Nhà nước.

Các giải pháp cần ưu tiên bao gồm: Cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa tư nhân – nhà nước – FDI; Thiết kế chính sách tín dụng ưu đãi cho sản xuất, công nghệ, khởi nghiệp.

Tài trợ nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới; Đào tạo thế hệ doanh nhân có tầm nhìn, đạo đức và năng lực hội nhập.

“Một nghị quyết dù có hay đến đâu cũng chỉ là văn bản nếu thiếu hành động cụ thể và sự chuyển động thực chất từ chính phủ,” TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao, khu vực tư nhân nếu được tiếp sức đúng cách hoàn toàn có thể trở thành cánh chim đầu đàn, đưa nền kinh tế vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và hướng tới phát triển bền vững, tự chủ trong kỷ nguyên mới.

Nguồn : https://vietnamfinance.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-the-che-manh-va-chinh-phu-hanh-dong-d126704.html.

You may also like