“Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành dệt may xuất khẩu đạt hơn 19,5 tỷ USD, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi ích từ xuất khẩu này là do chuyển dịch đơn hàng từ các nước khác sang thị trường Việt Nam, còn bản chất tiêu dùng toàn cầu chưa tăng.
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là động lực rất tốt cho Việt Nam giữ được thị trường. Năm 2023, toàn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu đạt 40 tỷ USD vào 104 thị trường trên toàn cầu. Để giữ được mức tăng trưởng và phát triển này, Hiệp hội Dệt may đặt ra 3 trụ cột chiến lược, đó là: đa dạng hóa thị trường, đối tượng khách hàng và đa dạng hóa sản xuất, mặt hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với 5 thách thức lớn.
Thứ nhất, tiêu chuẩn kép của các thị trường nhập khẩu. Họ luôn tìm ra kẽ hở để đưa ra các tiêu chuẩn buộc chúng ta phải tuân thủ.
Thứ hai, các tổ chức đánh giá của các nhãn hàng luôn đặt ra những tiêu chuẩn không đồng nhất giữa các nhãn hàng. Mỗi nhãn hàng đưa ra một tiêu chuẩn khác nhau làm cho các doanh nghiệp của chúng ta cứ phải “bơi” trên con thuyền lớn như vậy để có đơn hàng.
Thứ ba, thách thức liên quan đến phát triển công nghệ, phát triển bền vững. Việc sử dụng các sản phẩm đòi hỏi chúng ra phải thích ứng kịp với xu thế phát triển bền vững thì mới ổn định được đơn hàng.
Thứ tư, vấn đề lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp trong ngành dệt may bị giảm lao động nơi ít nhất cũng 6%, nơi giảm nhiều từ 18% – 20% nghỉ việc và nhận chế độ một lần. Trong khi đó, một dây chuyền sản xuất đã ổn định, bây giờ phải tuyển công nhân mới vào thì cần đào tạo tối thiểu từ 6 tháng đến 1 năm mới làm được việc.
Về những cơ chế chính sách, chiến lược phát triển ngành dệt may, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, nhưng đến nay, chiến lược này vẫn nằm trên giấy. Tôi cho rằng chiến lược là cực kỳ đúng, nhưng vấn đề là vận hành ra sao, quy hoạch các địa phương để phát triển các khu công nghiệp và kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt nhuộm để giảm thiểu tối đa việc nhập khẩu nguyên liệu.
Thực tế, hầu hết các địa phương còn “dị ứng” với vấn đề nước thải nên không mặn mà việc quy hoạch này. Với thách thức như vậy, vấn đề đặt ra là chiến lược ngành dệt may cần tập trung vào giải pháp quy hoạch. Chính phủ cần đề ra định hướng cho các địa phương quy hoạch các khu công nghiệp, trong đó có đầu tư cho ngành công nghiệp dệt nhuộm để có vải trong nước. Hiện nay, mỗi năm chúng ta nhập khẩu vải khoảng 16 tỷ USD và hầu hết nhập từ Trung Quốc”.
“Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Về chi phí vay vốn, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, dù bối cảnh của thế giới lãi suất có xu hướng tăng và chưa định hướng giảm. Chúng tôi đang tiếp tục điều hành để giảm lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng.
Về áp lực tỷ giá, những tháng đầu năm 2024, xu hướng thế giới như vậy nên việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Nhưng thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều công cụ và biện pháp, trong đó có cả bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có nhu cầu mua bán ngoại tệ một cách thuận lợi.
Ngoài ra, về công tác hoàn thiện thể chế, với việc Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một loạt thông tư huớng dẫn thi hành, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn của nguời dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, bên cạnh hoàn thiện thể chế chính sách, chúng tôi sẽ có các buổi kết nối của ngân hàng với doanh nghiệp để ngân hàng nắm bắt khó khăn của các doanh nghiệp, từ đó đồng hành cùng doanh nghiệp”.
“Dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp nhưng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ tốt hơn năm 2023. Năm 2023, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 5%. Năm nay, trong nửa cuối năm, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng sẽ cao hơn 6%. Như vậy, trong cả năm 2024, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng 6%.
Tốc độ tăng trưởng 6% trong năm 2024 là một tin khá tốt vì nó cao hơn mức mà hầu hết các nền kinh tế khác có thể đạt được. Vì vậy, Việt Nam vẫn đứng đầu bảng tăng trưởng trên thế giới. Tôi nghĩ đây là điều đáng mừng, nhưng đừng bao giờ tự mãn. Bởi vì tăng trưởng giống như một cái cây, nên nó cần được tưới nước hàng ngày thông qua các chính sách tốt để có nền tảng kinh tế và tài chính tốt trong môi trường hấp dẫn đầu tư nước ngoài như hiện nay và để tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng.
Tôi rất tin tưởng vào triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam, ngay cả khi tôi biết rất rõ rằng trong ngắn hạn, có một số bất ổn liên quan đến tỷ giá hối đoái, lạm phát và một số biến động chính trị, nhưng đó là điều xảy ra ở mọi nền kinh tế. Điều quan trọng là duy trì triển vọng và các chính sách đúng đắn để tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế tiếp tục phát triển ngày càng bền vững và xanh.
Trên thế giới, môi trường, xã hội, quản trị (ESG) đang trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng để các công ty tính đến, hoặc là nắm bắt hoàn toàn ESG, hoặc sẽ gặp khó khăn. Việt Nam đã hiểu rất rõ điều này và đã chấp nhận ESG để có thể tiếp tục là một nền kinh tế bền vững hơn và tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần thiết.
Vì vậy, trong bối cảnh đó, chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam trên một số hành động như các biên bản ghi nhớ mà chúng tôi đã ký với chính phủ Việt Nam trị giá 8,5 triệu USD trong COP26 tại Glasgow dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam. Gần đây, tại COP 28, Standard Chartered đã trao 5 biên bản ghi nhớ trị giá 3 tỷ USD cho 5 doanh nghiệp để hỗ trợ các dự án phát triển bền vững. Như vậy, tổng cộng là 11,5 tỷ USD đã được ký kết và đang thực hiện.
Chúng tôi cũng đang hợp tác rất nhiều với Chính phủ Việt Nam, không chỉ về mặt môi trường thông qua những gì tôi vừa đề cập, mà còn hợp tác phát triển thị trường carbon, thị trường tín dụng carbon, các khía cạnh rất quan trọng khác về môi trường của ESG. Bên cạnh đó là những vấn đề xã hội như đa dạng và hòa nhập, hỗ trợ cộng đồng, cung cấp các khoản vay vi mô và các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại Standard Chartered, chúng tôi đã có hơn 17 tỷ USD, chính xác là 17,6 tỷ USD tài sản bền vững được sử dụng để tài trợ cho các vấn đề môi trường và xã hội trên toàn thế giới. Việt Nam là một đối tác rất quan trọng trong việc phát triển hơn nữa trong cam kết này”.
“Về vấn đề thuế đất, Hiệp hội Bất động sản cho rằng doanh nghiệp đang băn khoăn và không an tâm trong việc hiện nay phải trả tiền thuê đất hàng năm. Theo doanh nghiệp, việc trả tiền thuê đất hàng năm tạo ra cảm giác không ổn định, không tính toán được các nội dung để sản xuất kinh doanh. Tôi rất chia sẻ với những khó khăn này nhưng có ba điểm quan trọng tôi muốn nhấn mạnh.
Thứ nhất, trong giai đoạn vừa qua, cơ quan Chính phủ, Quốc hội đều nỗ lực hoàn thành cơ chế chính sách.
Thứ hai, về khâu thực thi, trong các điều khoản quy định cụ thể từng trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và đối tượng chịu tác động của các luật.
Thứ ba, giai đoạn vừa qua khi chúng tôi tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 thì phần dự liệu của doanh nghiệp cũng phải được tính toán sao cho luật có thế nào phải thực hiện như vậy.
Tôi muốn chia sẻ để doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản hiểu rõ hơn trong phần thuê đất. Quan điểm của Đảng rất rõ là thuê đất trả tiền hằng năm pháp luật đều bảo hộ quyền thuê của tổ chức, cá nhân. Không phải năm nay anh thuê thì sang năm tôi không cho anh thuê nữa, hợp đồng thuê đất có thời hạn, chỉ có điều nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì đó sẽ là điều kiện cho thuê tiếp hay không. Còn với doanh nghiệp hiện hành, với các doanh nghiệp thuê đất trả tiền một lần vẫn đang thực hiện và pháp luật đất đai vẫn bảo hộ quyền thuê đất trả tiền một lần.
Trong Luật Đất đai 2024 quy định tiền thuê đất ổn định 5 năm, nếu có thay đổi thì thay đổi theo tỷ lệ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chứ không phải năm nay một giá, năm sau một giá. Tức là tiền thuê đất của doanh nghiệp là ổn định trong 5 năm. Quy định này trong luật chứ không phải trong nghị định, Quốc hội cũng rất kiên quyết trong việc này”.
“Sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay có thể nói rất yếu. Hiện nay cả nước có trên 1.000 dự án bất động sản đang “nằm”, không thể triển khai. Mặc dù chúng ta đã nghe từ truyền thông có dấu hiệu thị trường đang sôi động, đặc biệt là giá cả tăng tốc, đó là câu chuyện rất nghịch lý nhưng lại là thực tế.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số có 27.361 sản phẩm bất động sản mới được tung ra thị trường, tương đương với khoảng 15% so với năm 2018-2019. Mặc dù có tăng tốc nhưng mới đạt con số khá nhỏ so với bình thường. Lượng giao dịch đạt 22.399 sản phẩm, lượng hấp thụ rất mạnh, tương đương 80% nguồn cung ra thị trường… Tuy nhiên, con số trên chỉ đạt khoảng 20% so với năm 2018-2019, cho thấy lực cầu của thị trường sụt giảm khoảng 80%.
Lực cầu sụt giảm, các doanh nghiệp làm sao sống được. Về các cấu trúc sản phẩm cho thấy chủ yếu là các dự án đã phê duyệt từ khá lâu. Trong đó về cơ cấu, đất nền chiếm 46%, căn hộ bình dân chiếm 7%, nhà ở xã hội thì quá ít. Còn gói 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng 1%.
Mặc dù giá đã giảm nhiệt rất mạnh nhưng giá nhà, giá bất động sản tại thời điểm hiện tại vẫn tăng 2 lần so với năm 2018 trong bối cảnh chúng ta trải qua khủng hoảng dịch bệnh lẫn khó khăn kinh tế, đây là điều bất hợp lý.
Nguyên nhân hầu hết chúng ta đều thấy, vẫn từ thể chế tạo ra rào cản. Chúng ta đã có rất nhiều đổi mới, đặc biệt là sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành để đẩy mạnh tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, khẩn trương đưa các luật sớm có hiệu lực, hỗ trợ cho doanh nghiệp, địa phương có cơ sở giải quyết vấn đề. Chúng tôi rất nhất trí. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn rất băn khoăn trong quá trình thực thi, phát triển các dự án đầu tư, nếu các nghị định được ban hành ra vẫn còn đâu đó chưa thực sự tháo gỡ thì vẫn còn điểm nghẽn.
Đơn cử, các dự án có dấu hiệu vướng mắc cơ chế, các quy định mới liệu có chuyển tiếp, có xử lý các dự án đang tồn tại không hay chỉ xử lý các dự án mới? Chúng tôi đánh giá có khoảng 70% các dự án đang vướng mắc có lỗi nghiêm trọng, trong đó có giao đất, đấu thầu, đấu giá…
Doanh nghiệp cũng lo lắng việc phải trả tiền đất hằng năm gây ra khó khăn. Ví dụ: các dự án kêu gọi đầu tư như bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (villa, shophouse) không tính được chuỗi chu kỳ kinh doanh, mà chờ tính hằng năm, nhà đầu tư có tham gia không?
Cải tạo chung cư cũ cũng là một câu chuyện. Chúng tôi thấy tư tưởng của Chính phủ, Bộ Xây dựng là cải tạo chung cư cũ có vai trò thuộc về Nhà nước. Liệu rằng tư tưởng đó có đẩy vào nghị định, quy định không?”.
“Cuối năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn do suy giảm tiêu dùng toàn cầu. Các mặt hàng điện tử chủ lực xuất khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng nên doanh nghiệp mất nhiều đơn hàng truyền thống. Có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động tới 70%. Thực tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam bị chèn ép trong chuỗi cung ứng, đơn hàng bấp bênh và không ổn định do vị thế quá thấp kém, nhỏ bé và ít cơ hội so với doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, một khó khăn lớn là doanh nghiệp điện tử Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ, công nghệ chưa cao.
Việt Nam đang dần mất lợi thế về lao động bởi lực lượng lao động của chúng ta đang già hóa nhanh, tuổi trung bình tăng lên. Trong nhiều chiến lược chính sách có nói về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng các chuyên gia nước ngoài không công nhận khái niệm này, họ chỉ có yêu cầu là lao động đã qua đào tạo và có tay nghề. Do đó, chúng ta cần rõ ràng trong câu chữ để không bị đánh tráo khái niệm, dẫn đến các bước đi chính sách sai lầm.
Chúng tôi đề nghị cần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nhân lực và đào tạo nghề. Nên tận dụng hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong đào tạo nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử bán dẫn, cấp học bổng cho học sinh theo học ngành rất khó này.
Chiến lược nhân lực bán dẫn của Việt Nam dự kiến đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn tới năm 2030. Với kinh nghiệm 30 năm và bản thân cũng tốt nghiệp ngành này, tôi không biết mục tiêu này có quá lạc quan không. Chỉ còn 6 năm nữa thôi, trong khi để các em đủ trình độ kỹ sư ngành bán dẫn cần ít nhất 5 – 5,5 năm.
Bên cạnh đó, chúng ta có thực sự cần con số này không. Bởi Đài Loan (Trung Quốc) là một cường quốc về bán dẫn mà các trường đại học cao cấp nhất mỗi năm cũng chỉ đào tạo và cấp học bổng cho 25 sinh viên ngành bán dẫn. Họ cũng chỉ có hơn chục trường đại học đào tạo ngành này. Tôi băn khoăn không biết Việt Nam có đạt được mục tiêu đó không”.
“Vừa qua tôi có chuyến công tác làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ. Phía Mỹ đang rất quan tâm tới việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực sản xuất điện tử, bên cạnh nền tảng mà chúng ta đã có do các doanh nghiệp FDI đặt nền móng. Nằm trong việc triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, có một sáng kiến là Delta Network nhằm xây dựng chuỗi cung ứng ngành điện tử và đang muốn thí điểm ở Việt Nam trước khi mở rộng ra các nước khác.
Tuy nhiên, rất tiếc là phía Việt Nam chưa sẵn sàng do chưa được chuẩn bị kỹ càng. Sáng kiến này nằm trong việc triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cam kết với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng chúng ta lại chưa sẵn sàng. Điều này thực sự đáng tiếc.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chuyên làm tư vấn về chuyển giao công nghệ từ Mỹ ra nước ngoài cho biết khách hàng của họ chủ yếu chọn Trung Quốc để chuyển giao công nghệ, tức là đặt sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, khi chính sách của Mỹ về công nghệ với Trung Quốc siết lại, các doanh nghiệp không còn chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc nữa, nhưng nhu cầu đó vẫn còn và thậm chí tăng lên. Do đó, họ đang nhìn vào Việt Nam như một thị trường để dịch chuyển công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Việt Nam lại chưa sẵn sàng thì chúng ta đang biến cơ hội thành thách thức.
Tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội làm ra các sản phẩm chiến lược trong ngành điện tử. Ví dụ, ngành công nghiệp về máy bay không người lái hạng nhẹ, hay còn gọi là drone tầm gần. Trên thế giới không có nhiều quốc gia sản xuất được mặt hàng này, ngoài Trung Quốc. Thị trường drone tầm gần toàn cầu năm 2023 là hơn 63 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 80%.
Chúng ta biết rằng 80% đó trong tương lai sẽ không xuất khẩu được sang Mỹ hay các nước cảm thấy đó là sản phẩm nhạy cảm và cần kiểm soát, đấy là cơ hội cho Việt Nam. Các kỹ sư Việt Nam và doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thiết kế và sản xuất sản phẩm này. Thậm chí có doanh nghiệp có thể sản xuất mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn NDAA về quốc phòng của Mỹ. Trên thế giới, ngoài Trung Quốc, chỉ có Mỹ, Israel, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có thể sản xuất.
Một sản phẩm tiềm năng khác là camera an ninh tích hợp AI hoàn toàn nằm trong khả năng của doanh nghiệp Việt. Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế Trung Quốc để sản xuất sản phẩm này. Đó là một số ví dụ mà chúng ta có thể tạo ra không gian tăng trưởng mới”.
VnEconomy 15/07/2024 17:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2024, phát hành ngày 15/07/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn : VnEconomy