Lợi thế của người đi sau
Việt Nam đang định hướng TP. HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phục vụ mục tiêu thu hút dòng vốn toàn cầu và nâng cao vị thế của nền kinh tế trên bản đồ khu vực. Dù chưa có một mô hình trung tâm tài chính quốc tế hoàn chỉnh, TP. HCM từ lâu đã đóng vai trò là đầu tàu tài chính của cả nước – nơi hội tụ hầu hết ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đã hoạt động hơn 25 năm, là nơi giao dịch hàng ngày của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ quốc tế và tổ chức tài chính lớn.
Gần đây, theo công bố của GFCI – Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu, trung tâm tài chính TP. HCM đã được nâng hạng thêm 7 bậc so với thời điểm tháng 9/2024, lên vị trí thứ 98 trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu. Con số này dù chưa quá nổi bật, nhưng cho thấy tín hiệu tích cực rằng trung tâm tài chính hiện hữu của TP. HCM đang dần được ghi nhận trên bản đồ tài chính thế giới.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Chúng ta có đủ niềm tin để vun đắp cho trung tâm tài chính hiện hữu này phát triển mạnh hơn và nó sẽ sánh vai được với các trung tâm tài chính quốc tế trên thế giới, vấn đề còn lại là chúng ta phải có giải pháp hữu hiệu, mình đi sau thì mình phải học được những bài học của quốc tế”.

Theo đó, lợi thế của người đi sau chính là cơ hội tiếp cận những kinh nghiệm và mô hình đã thành công tại các trung tâm tài chính như Singapore, Dubai hay Thượng Hải. Những bài học đó, theo ông Ngân, bắt đầu từ việc thiết lập một thể chế ổn định và thông thoáng, đủ sức hấp dẫn các định chế tài chính lớn trên thế giới đến đặt trụ sở và hoạt động lâu dài. Chỉ cần thu hút được một vài tổ chức nằm trong nhóm năm định chế tài chính hàng đầu toàn cầu, hiệu ứng lan tỏa sẽ rất lớn. Các tổ chức này không chỉ mang theo dòng vốn, mà còn là kênh kết nối TP. HCM với các trung tâm tài chính quốc tế khác thông qua mạng lưới toàn cầu mà họ đang nắm giữ.
TP. HCM cũng đang có sẵn một nền tảng thuận lợi về nguồn cầu. Thị trường Việt Nam với hơn 100 triệu dân, nền kinh tế mở, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 700 tỷ USD, cùng sự phát triển nhanh của thương mại, đầu tư, du lịch… chính là lực hấp dẫn đối với các định chế tài chính đang tìm kiếm thị trường tăng trưởng cao. Vấn đề đặt ra không chỉ là phát triển một khu tài chính hiện đại tại Thủ Thiêm hay liên kết với trung tâm hiện hữu ở Quận 1, mà còn phải có chiến lược bài bản trong việc xây dựng chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa các quy định theo thông lệ quốc tế.
Đi sau cũng đồng nghĩa với việc có thể chọn đúng ngách để đột phá. Thay vì chạy theo những mô hình truyền thống, TP. HCM hoàn toàn có thể chọn một vài phân khúc tài chính đặc thù để tạo dấu ấn. PGS. TS Trần Hoàng Ngân gợi ý: “Một sàn giao dịch tài sản số hoặc tiền số – nơi người Việt đang có sự tham gia rất lớn nhưng chưa được tổ chức bài bản, hoặc một trung tâm giao dịch hàng hóa phái sinh (futures) dựa trên thế mạnh nông sản của miền Tây và Tây Nguyên, hay một sàn gọi vốn riêng dành cho startup – đối tượng chưa thể vay vốn ngân hàng nhưng đầy tiềm năng để hút vốn mạo hiểm. Thậm chí, TP. HCM có thể đi trước trong việc xây dựng sàn vàng trực tuyến kết nối quốc tế – một bước tiến đáng kể trong việc quản lý và ổn định thị trường vàng trong nước”.
Không chỉ hấp dẫn về dòng vốn và mô hình phát triển, TP. HCM còn có cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới. Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cấu trúc lao động toàn cầu, nhiều nhân sự trình độ cao trong ngành tài chính – ngân hàng đang bị thay thế bởi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu lớn.
Đây là cơ hội để TP. HCM, nếu có chiến lược thu hút nhân tài hợp lý và môi trường làm việc quốc tế hóa, trở thành nơi hội tụ của đội ngũ chuyên gia tài chính toàn cầu, bổ sung cho nguồn lực trong nước còn thiếu hụt.
Vai trò của khu vực tư nhân
Để phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế, TP. HCM không chỉ cần có sự tham gia của các tổ chức tài chính lớn mà còn cần một môi trường hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ tài chính.
Tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong sự phát triển của TP. HCM được PGS. TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh rằng: “Kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng lớn mạnh kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới. TP. HCM hiện là nơi có khu vực kinh tế tư nhân và sản xuất nhỏ phát triển mạnh mẽ nhất cả nước. Kinh tế tư nhân đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của thành phố, chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư xã hội, cao hơn mức bình quân chung cả nước từ 55–60%”. Ông cũng cho rằng, với tiềm lực hiện có, khu vực tư nhân tại TP. HCM hoàn toàn có thể trở thành động lực chính trong việc phát triển trung tâm tài chính của thành phố.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, dấu ấn của khu vực tư nhân tại TP. HCM được thể hiện rất rõ nét thông qua sự lớn mạnh của những doanh nghiệp công nghệ tài chính, ngân hàng tư nhân, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… Đây là các mắt xích không thể thiếu trong một trung tâm tài chính hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển của các lĩnh vực này còn cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách và cơ chế pháp lý, nhất là trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với các tổ chức tài chính lớn, qua đó thúc đẩy sáng tạo và đổi mới trong ngành tài chính.
Với các dự án hạ tầng phục vụ mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM, nhiều ý kiến cho rằng nên mạnh dạn giao cho khu vực tư nhân. PGS. TS Trần Hoàng Ngân khẳng định: “Sự phát triển của khu vực tư nhân trong thời gian qua đã đủ để chúng ta đặt niềm tin vào sự đóng góp quan trọng và thậm chí là quan trọng nhất của khu vực này trong giai đoạn hiện nay. TP. HCM hoàn toàn có thể mời gọi các nhà đầu tư trong nước tham gia các dự án lớn, đặc biệt là về hạ tầng, nếu có chính sách và thể chế rõ ràng”.
Việc giao dự án cho doanh nghiệp trong nước không chỉ thể hiện sự tin tưởng, mà còn giúp tận dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có như nhân lực, tài chính, vật tư. Điều này góp phần giảm nhập khẩu, cân bằng cán cân thương mại và giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Ngược lại, phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu có thể gây nhập siêu và rủi ro kinh tế. Phát triển kinh tế tư nhân vì thế không chỉ là bước đi chiến lược cho TP. HCM, mà còn là đòn bẩy cho nền kinh tế quốc gia tự cường và bền vững.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tphcm-loi-the-cua-nguoi-di-sau-d125660.html.