‘Cơ hội Việt Nam tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu’

by HDgroup
2 views

Mức thuế cao sẽ tác động đa chiều

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa mới tuyên bố áp mức thuế đối ứng đối với hàng chục quốc gia, trong đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ cũng bị áp mức thuế đối ứng lên tới 46%. Đây là một phần trong chiến lược “Ngày Giải phóng” nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, vốn đạt 1,2 nghìn tỷ USD trong năm 2024.

Với Việt Nam, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 30% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Rõ ràng “cơn địa chấn” thuế từ Mỹ đang tạo ra những tác động tiêu cực đáng kể cho xuất khẩu nước ta, thậm chí nhiều chuyên gia lo ngại chính sách này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP, lạm phát và việc làm tại Việt Nam.

Xuất khẩu có thể giảm 5 – 10 tỷ USD.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, dự báo, sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam. “Cơn bão” này không chỉ quét qua các nhà máy, mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ, bán lẻ và du lịch.

Ông Long cũng nhấn mạnh, mức thuế cao có thể làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Điều này sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng lên, dẫn đến tăng giá hàng hóa tiêu dùng trong nước.

Chưa dừng lại, các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), một nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, sự sụt giảm xuất khẩu và dòng vốn FDI có thể tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái, khiến đồng Việt Nam mất giá. Hệ quả là chi phí nhập khẩu tăng, kéo theo nguy cơ lạm phát. Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 trở nên thách thức hơn.

Tương tự, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết thêm, ngoài tác động đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng GDP, chính sách tăng thuế của Mỹ còn khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ biến động nhiều hơn như nhiều quốc gia khác đang gặp, đòi hỏi điều hành chính sách nhanh nhạy, chủ động và kịp thời hơn.

Thời điểm “vàng” để tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu

Mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ được coi là một “cú sốc” nhằm vào kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, đây cũng là thời điểm “vàng” để tái cấu trúc xuất khẩu theo hướng bền vững, nâng cao giá trị và làm chủ chuỗi cung ứng.

“Từ chỗ bị động ứng phó với biến động thị trường, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng chuyển mình để chủ động thích ứng – từ thị trường, sản phẩm đến phương thức tiếp cận. Đây là nền tảng vững chắc để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu “dài hơi” trong giai đoạn tới”, ông Long nói.

Thời điểm “vàng” để tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu.

Do đó, theo vị chuyên gia này, cần tập trung vào 3 định hướng chiến lược. Thứ nhất, chuyển đổi mô hình xuất khẩu, gia tăng giá trị. Chiến lược này tập trung vào các ngành có tiềm năng lớn như nông sản chế biến, thực phẩm, dệt may cao cấp và điện tử tiêu dùng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thứ hai, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng nội địa. Chiến lược này cần hướng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40–50% vào năm 2030. Kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa, hình thành cụm liên kết sản xuất.

“Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới và phát triển logistics. Cạnh tranh toàn cầu không còn chỉ dựa vào giá mà còn phụ thuộc vào chất lượng, tốc độ và dịch vụ. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị và marketing. Đồng thời, cần xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, kết nối thông minh giữa cảng – kho – vận tải để tối ưu chi phí”, vị chuyên gia nhận định.

Đồng quan điểm, TS Bùi Quý Thuấn, Phó trưởng ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cũng cho rằng, thách thức từ việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài.

Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 FTA đã ký kết như EVFTA, CPTPP, RCEP… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỉ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng, đa dạng thị trường; phải cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm khác biệt.

“Điều này mới có thể giúp doanh nghiệp cạnh tranh mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế cũng như các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Nguồn : https://vietnamfinance.vn/thue-doi-ung-cua-my-co-hoi-viet-nam-tai-cau-truc-chien-luoc-xuat-khau-d124752.html.

You may also like