Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, đặc biệt sau Nghị quyết 68, khu vực kinh tế tư nhân đang đứng trước cơ hội và cũng là thách thức lớn.
Tham gia thảo luận tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, Luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng đại diện Văn phòng Luật Mặt Trời Mới cho rằng, sự chủ động của doanh nghiệp và đổi mới thể chế là chìa khóa để khu vực tư nhân được khai phóng.

Niềm tin thể chế: Điểm xuất phát của sự bứt phá
Nghị quyết 68 không chỉ là sự khẳng định về vị thế của kinh tế tư nhân mà còn đặt nền tảng cho một tư duy mới: coi khu vực tư nhân là động lực trọng yếu trong phát triển kinh tế. Với tinh thần đó, thể chế cần phải phục vụ cho sự phát triển chứ không phải là thứ kìm hãm bước tiến của doanh nghiệp.
Luật sư Thành nhận định, điểm cốt lõi mà Nghị quyết mang lại là khơi gợi niềm tin cho cộng đồng doanh nhân. “Khi được tin tưởng, người ta sẽ dám làm, dám bỏ tiền, bỏ công sức và trí tuệ để theo đuổi mục tiêu kinh doanh bền vững”, ông nói.
Vấn đề không chỉ nằm ở việc khuyến khích khởi nghiệp, mà còn ở khả năng dỡ bỏ những rào cản thể chế đang chồng chất.
“Nếu cái gì là rào cản với doanh nghiệp thì cần xóa bỏ ngay. Thể chế cần phục vụ cho sự phát triển, không phải làm chậm lại những nỗ lực của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh toàn cầu”, ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải loay hoay với các thủ tục hành chính phức tạp, chính sách ưu đãi thiếu nhất quán hoặc cơ chế phân bổ nguồn lực chưa phản ánh đúng nhu cầu thực tế. Điều này vô hình trung kìm hãm những tiềm năng vô hạn mà khu vực tư nhân có thể đóng góp.
Không chỉ “cho” tài nguyên, mà phải mở lối cho trí tuệ
Theo luật sư Thành, để đạt được mục tiêu thu nhập bình quân 18.000 USD/người vào năm 2045, Việt Nam cần một cú hích thực sự từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, nguồn lực lớn nhất mà Việt Nam có được lại không nằm ở đất đai, tài chính hay ưu đãi chính sách, mà nằm ở trí tuệ con người.
“Chúng ta cần biết mình đang ở đâu, quy mô kinh tế ra sao và thực sự nhận thức rằng: nguồn lực lớn nhất không nằm ở đất đai, tài chính mà nằm ở trí tuệ của con người Việt Nam”, ông khẳng định.
Đó là lý do vì sao cách tiếp cận thể chế mới cần hướng đến việc tạo môi trường để trí tuệ được phát huy tối đa. Theo ông, một doanh nghiệp công nghệ cao đến Việt Nam không chỉ vì có khu công nghiệp hiện đại, mà quan trọng hơn là liệu họ có được tự do sáng tạo, tự do phát triển, tự do tiếp cận nguồn vốn hợp pháp – trong một khuôn khổ pháp luật rõ ràng và minh bạch – hay không.
Tự do ở đây không phải là vô giới hạn, mà là tự do trong khuôn khổ: tự do làm những gì pháp luật không cấm, tự do sáng tạo, tự do cạnh tranh sòng phẳng thay vì bị bó buộc bởi những rào cản vô hình từ cơ chế xin – cho hay hệ thống thủ tục rườm rà.
Đặc biệt, trong quá trình hội nhập sâu rộng, những yêu cầu từ đối tác quốc tế như Mỹ cũng đặt ra thách thức về việc loại bỏ các hình thức trợ cấp bất hợp lý. Theo ông Thành, điều này không có nghĩa là cắt giảm hoàn toàn hỗ trợ, mà là chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang kiến tạo môi trường.
“Cách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp chính là tạo ra môi trường để họ tự đứng vững, tự vươn lên chứ không phải chờ hỗ trợ từ các khoản vay hay ưu đãi một chiều”, ông nói.

Thể chế là công việc hai chiều, doanh nghiệp phải là chủ thể
Không dừng lại ở tư duy cải cách từ phía nhà nước, ông Thành nhấn mạnh rằng khu vực tư nhân cần chủ động nhiều hơn trong việc góp phần kiến tạo thể chế. Trong bối cảnh chính sách thuế quan toàn cầu, đặc biệt từ phía Mỹ, đang trở nên khắt khe và có nhiều biến động, doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào phản ứng từ phía chính phủ.
“Một trong năm chủ trương quan trọng để ứng phó với các rào cản thương mại như thuế quan là chính doanh nghiệp phải tự đề xuất, tự kiến tạo thể chế phù hợp với thực tiễn kinh doanh”, ông phân tích.
Vị luật sư nêu rõ: nếu doanh nghiệp, hiệp hội thấy một chính sách nào là hợp lý, phù hợp với quy luật thị trường và thúc đẩy phát triển bền vững, thì phải mạnh dạn đề xuất – thay vì chờ đợi thể chế hoàn hảo từ trên xuống.
“Việc tạo lập môi trường kinh doanh là công việc hai chiều, trong đó doanh nghiệp phải là một chủ thể tích cực”, ông nói. Theo ông, chính sự chủ động, dấn thân và tham gia xây dựng thể chế từ phía cộng đồng doanh nghiệp sẽ là nhân tố tạo nên những thay đổi căn bản, thay vì chỉ mong chờ các cải cách hành chính từ trung ương.
Từ góc nhìn của Luật sư Bùi Văn Thành, chính sách cho khu vực tư nhân trong giai đoạn tới không thể dừng lại ở việc “trao quyền” một cách hình thức. Điều quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy quản lý: từ quản lý bằng cấm đoán sang quản lý bằng nguyên tắc, từ ưu đãi cào bằng sang hỗ trợ có mục tiêu, từ tiếp cận tài nguyên sang tạo lập không gian sáng tạo.
Chặng đường đến mục tiêu 2045 sẽ còn dài, nhưng theo Luật sư Thành, đó là hành trình cần sự thay đổi mạnh mẽ về thể chế – để không lãng phí một nguồn lực lớn nhất mà Việt Nam đang có: tinh thần doanh nhân và trí tuệ người Việt.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/chia-khoa-de-khai-phong-nguon-luc-cua-kinh-te-tu-nhan-d126777.html.