Kinh tế tư nhân đang chậm phát triển
Sáng 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Với Nghị quyết này, loạt chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, thuế, áp dụng nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế… được áp dụng với kinh tế tư nhân.
Đây là một trong những văn bản quan trong thể chế hóa đường lối của Đảng, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân để đất nước bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nói, chỉ có kinh tế tư nhân mới giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tham vọng sắp tới với tăng trưởng 8% trong năm nay và duy trì 2 con số trong những năm tiếp theo. Điều này thể hiện ở các quốc gia phát triển của Châu Á khi họ luôn gắn sự phát triển với kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên, để đạt được tham vọng này, theo PGS.TS Trần Đình Thiên trong giai đoạn hiện nay Việt Nam cần nhìn nhận thực tế, kinh tế tư nhân đang chậm phát triển. Lý do theo ông có nhiều nhưng quan trọng và cơ bản nhất là ách tắc thể chế. Vấn đề này được ví như sợi dây trói buộc kinh tế tư nhân lại.
Do đó, PGS Thiên nhận định, cần có chính sách nhất quán để phát triển kinh tế tư nhân không chỉ ở việc tạo nhiều ưu đãi cho họ mà quan trọng hơn là bảo đảm cho khu vực này môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng.
TS Nguyễn Đình Cung – Nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay, sau giai đoạn “mãi không thể lớn và không chịu lớn”, doanh nghiệp tư nhân đứng trước “bước ngoặt” quan trọng cho thời kỳ phát triển mới với những doanh nghiệp “anh hùng”, nghĩ lớn, làm lớn và phát triển phi thường, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới như Vingroup, Thaco, Hòa Phát, Sungroup, TH…
Thậm chí, dù trải qua loạt biến cố trong 5 năm qua, như đại dịch Covid-19, bất ổn kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát và cạn kiệt dòng tiền nhưng khu vực này vẫn thể hiện sự dẻo dai và khả năng thích nghi tuyệt vời trong những hoàn cảnh khó khăn chưa từng có.
“Song phải nhìn nhận thực tế, mặc dù là “con át chủ bài” cho tăng trưởng kinh tế, đại đa số doanh nghiệp tư nhân vẫn đang rất “khát” nguồn lực để đầu tư vào công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị và mở rộng quy mô. Muốn làm được, họ cần vốn lớn, cần được tiếp cận đất đai để xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất và tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu để họ bứt phá lên một cấp độ mới, từ siêu nhỏ đến nhỏ, từ nhỏ đến vừa, từ vừa đến lớn – một ngưỡng rất khó của doanh nghiệp”, ông Cung nói.
Doanh nghiệp cần cởi trói về mặt thủ tục
TS Huỳnh Thanh Điền – Khoa quản trị, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhận định, việc tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm bớt thủ tục, gây phiền hà, mất thời gian cho doanh nghiệp. Việc này sẽ giảm bớt áp lực về sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động làm ăn của khối tư nhân.

Chỉ khi nào doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm mới tiến hành thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò giám sát xã hội trong hoạt động doanh nghiệp.
“Người tiêu dùng có thể phản ánh doanh nghiệp bán hàng giả lên cơ quan quản lý để thanh kiểm tra. Người phản ánh cần được lắng nghe, được bảo vệ nếu họ làm đúng. Khi có sự giám sát từ xã hội cơ quan nhà nước sẽ có cơ chế quản lý hiệu quả hơn”, TS Điền nói.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nhà nước cần hỗ trợ để kinh tế tư nhân đáp ứng được vai trò gắn với sứ mệnh thời đại phát triển công nghệ cao, cạnh tranh toàn cầu vốn rất khốc liệt hiện nay. Cơ chế hỗ trợ theo ông cần được “cởi trói” về mặt thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực về đất đai, vốn.
Cụ thể với đất đai, Nghị quyết 68 dành đất cho kinh tế tư nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… với thủ tục, điều kiện cụ thể, rõ ràng theo hướng tạo thuận lợi nhất.
Về nguồn vốn, nhà nước có thể hỗ trợ theo nhiều phương thức như lập quỹ bảo lãnh cho kinh tế tư nhân, hỗ trợ lãi suất, nới các điều kiện vay.
“Phải tháo bỏ cơ chế xin cho để kinh tế tư nhân có thể tiếp cận với các nguồn lực phát triển bình đẳng sòng phẳng”, PGS Thiên nói.
Để khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục lớn mạnh trong thời gian tới, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định có hai trụ cột cần được chú ý trong thời gian tới.
Thứ nhất là cải cách thể chế một cách mạnh mẽ và thực chất. Tháo được “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, tạo “đột phá của đột phá”. Trọng tâm của trụ cột này phải chuyển đổi, tháo bỏ. Trong đó, tháo bỏ, chuyển đổi hệ thống pháp luật chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng, không hiệu quả, không cụ thể, không minh bạch…
Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay thiên về quản lý. Do đó, cần phải được chuyển sang một hệ thống pháp luật thông thoáng, tạo môi trường thực sự tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, kinh doanh bình đẳng với một chi phí tuân thủ thấp, không gặp rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh.
Nếu chuyển sang hệ thống pháp luật thông thoáng, doanh nghiệp được thể hiện hết khả năng của mình để cống hiến, để làm giàu cho bản thân và đất nước. Kết quả của trụ cột này là xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng. Ở đó, mọi người được tự do kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, tự do sáng tạo; trong đó, quyền tài sản, tài sản được bảo vệ chắc chắn, được đối xử một công bằng. Nếu xảy ra tranh chấp, được xử lý công bằng, hiệu quả và nhanh chóng.
Thứ hai, về phần vốn của doanh nghiệp, ông Cung cho rằng cần tạo ra một môi trường, hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn, đất đai, khoa học – công nghệ, dữ liệu… kịp thời, đủ lớn về quy mô và đồng bộ để họ bứt phá lên một cấp độ mới, từ siêu nhỏ đến nhỏ, từ nhỏ đến vừa, từ vừa đến lớn – một ngưỡng rất khó của doanh nghiệp.
“Tôi nhấn mạnh, khuôn khổ để doanh nghiệp tư nhân phát triển không chỉ là vốn tín dụng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn. Như vậy, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng. Phải phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều. Vì thiếu nên nhiều doanh nghiệp chưa phát triển được… Tôi hy vọng, với chính sách mới sẽ huy động hết nguồn lực của kinh tế tư nhân, hết tính sáng tạo, năng động của khu vực này. Qua đó, giúp tận dụng được hết cơ hội phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nói chung và cả nền kinh tế”, ông Cung nêu quan điểm.
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/tu-tien-kiem-sang-hau-kiem-giam-can-thiep-cua-nha-nuoc-vao-khoi-tu-nhan-d126917.html.