Xây dựng và hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đang được giới phân tích đánh giá là bước đi quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hiện đại, toàn diện và hội nhập sâu rộng của Việt Nam.
Để có một cái nhìn rõ hơn về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các trung tâm tài chính trong khu vực, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tiến Chương, Giảng viên Đại học kinh tế, ĐHQGHN, Giám đốc công ty Đầu tư công nghệ tài chính QM Capital.
Xin ông cho biết ,Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ các trung tâm tài chính khu vực, và đâu là cơ hội để bứt phá?
TS Nguyễn Tiến Chương: So với các trung tâm trong khu vực, thị trường vốn cổ phần của Việt Nam còn nhiều khoảng cách. Trong khi Thái Lan và Malaysia đã đạt mức vốn hóa hơn 100% GDP, Việt Nam hiện dừng ở khoảng 69% GDP, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức còn thấp. Dù vậy, một điểm sáng đáng chú ý là thanh khoản – khi Việt Nam đang nằm trong top 3 ASEAN về giá trị giao dịch cổ phiếu, chỉ sau Thái Lan và ngang bằng Singapore. Điều này phản ánh sức hấp dẫn của thị trường, đặc biệt khi so với những thị trường chững lại như Kuala Lumpur hay Bangkok.

Lợi thế của Việt Nam còn nằm ở dư địa lớn: nền kinh tế tăng trưởng cao, nhiều doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn, và tiềm năng nâng hạng thị trường. Nếu cải thiện khung pháp lý và gỡ rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp và vượt các thị trường khu vực trong thập kỷ tới. “Chìa khóa là niềm tin và kết nối quốc tế – yếu tố sẽ thu hút cả các quỹ toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Ở thị trường trái phiếu, Việt Nam hiện chưa cạnh tranh được với Singapore hay Hong Kong – những điểm đến phát hành trái phiếu quốc tế nhờ khung pháp lý chuẩn mực và nhà đầu tư tổ chức đông đảo. Tuy nhiên, cơ hội lớn lại nằm ở thị trường nội địa. Trong khi Malaysia đạt gần 100% GDP về quy mô trái phiếu, Thái Lan khoảng 80%, còn Indonesia và Philippines đang thu hút mạnh vốn ngoại, thì Việt Nam còn ở nhóm cuối khu vực, cho thấy dư địa tăng trưởng lớn.
Với GDP tăng trưởng 6 – 7%/năm, hệ thống tài chính sẽ phát triển theo, kéo theo nhu cầu đầu tư vốn và thúc đẩy thị trường trái phiếu. Nếu cải cách mạnh tay, đặc biệt trong minh bạch và xử lý vi phạm, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức 70–80% GDP trong 10 năm tới, vượt Philippines và sánh ngang Thái Lan.
Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là xây dựng niềm tin thị trường. Chỉ khi nhà đầu tư tin tưởng vào sự minh bạch, họ mới rót vốn dài hạn. Việt Nam cần tạo dựng một thị trường an toàn, thanh khoản và đáng tin cậy – yếu tố giúp cạnh tranh sòng phẳng với Singapore, Hong Kong hay Kuala Lumpur.
Ở mảng quản lý tài sản, so với các trung tâm tài chính lâu đời, Việt Nam chưa phải điểm đến của ngành quản lý tài sản quốc tế. Singapore hiện là Wealth Hub (trung tâm quản lý tài sản) hàng đầu châu Á, đặc biệt thu hút dòng tài sản từ Trung Quốc và Đông Nam Á. Hong Kong truyền thống là trung tâm tài sản của giới giàu Trung Quốc đại lục. Malaysia nổi bật với dịch vụ tài sản Hồi giáo, còn Thái Lan chủ yếu phục vụ giới giàu trong nước.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn từ thị trường nội địa gần 100 triệu dân. Nếu biết cung cấp dịch vụ chuyên biệt cho thị trường mới nổi, đồng thời xây dựng các chính sách đặc thù như sandbox cho fintech hay miễn thuế có chọn lọc, Việt Nam có thể tạo lợi thế riêng, thay vì đi theo lối mòn của các trung tâm cũ. Cùng với đó, việc tận dụng lợi thế về chi phí vận hành rẻ cũng có thể giúp Việt Nam thu hút khách hàng tầm khá trong khu vực.
Việt Nam cần hợp tác với các định chế lớn để học hỏi và chuyển giao công nghệ quản lý tài sản. Nếu có chiến lược đúng đắn, trong dài hạn Việt Nam có thể giữ chân được tài sản của chính người Việt, thay vì chảy sang các thị trường khác, và dần dần thu hút tài sản từ nước ngoài. Khi đó, hình ảnh Việt Nam sẽ không chỉ là nơi sản xuất chi phí thấp mà còn là nơi giữ gìn và sinh lời tài sản an toàn cho nhà đầu tư toàn cầu.
Việt Nam có cơ hội nào để vươn lên trên bản đồ giao dịch ngoại hối quốc tế, thưa ông?
TS Nguyễn Tiến Chương: Trên bản đồ giao dịch ngoại hối quốc tế, Việt Nam hiện vẫn là cái tên mờ nhạt, thị trường Forex Trading trong nước chủ yếu phục vụ nhu cầu thương mại và đầu tư trực tiếp, chưa hình thành lớp nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Trong khi đó, Singapore đã vươn lên vị trí thứ ba thế giới về giao dịch ngoại hối, chỉ sau London và New York, còn Hong Kong cũng nằm trong nhóm năm trung tâm hàng đầu, đặc biệt đóng vai trò then chốt trong giao dịch đồng Nhân dân tệ. So với hai trung tâm này, khoảng cách của Việt Nam còn rất xa.

Ngay cả Bangkok và Kuala Lumpur – tuy không phải trung tâm tài chính hàng đầu – nhưng đồng Baht và Ringgit của họ đã được quốc tế giao dịch nhiều hơn đồng Việt Nam. Thái Lan và Malaysia cũng đã nới lỏng quản lý ngoại hối hơn Việt Nam phần nào, tạo điều kiện cho nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường nội địa.
Dẫu vậy, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước để đi tắt đón đầu. Trong ASEAN, ngoài Singapore, chưa quốc gia nào thực sự định hình được vị trí nổi bật về giao dịch ngoại hối, mở ra dư địa cho Việt Nam để cạnh tranh nếu chuẩn bị tốt.
Một chiến lược khả dĩ là tập trung vào thị trường ngách, thay vì cạnh tranh trực diện với các siêu trung tâm. Ví dụ, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ngoại hối cho Tiểu vùng sông Mekong – nơi nhu cầu chuyển đổi giữa VND, KHR (Campuchia), LAK (Lào) và THB (Thái Lan) ngày một tăng. Một hướng đi khác là tận dụng vị thế thương mại điện tử để phát triển thanh toán xuyên biên giới, qua đó từng bước mở rộng thị phần fintech ngoại hối.
Trên bàn cờ ngoại hối quốc tế, Việt Nam khởi đầu ở vị trí thấp nhưng không phải không có cơ hội. Lợi thế kinh tế đang lên cho phép ta đặt tham vọng, nhưng để biến lợi thế đó thành thị phần ngoại hối thì cần lộ trình cải cách thận trọng, từng bước hội nhập với thị trường tài chính toàn cầu.
Lợi thế chi phí nhân công có đủ để Việt Nam cạnh tranh trong cuộc đua trở thành trung tâm dịch vụ tài chính của khu vực?
TS Nguyễn Tiến Chương: Ở khía cạnh chi phí nhân sự, Việt Nam rõ ràng có ưu thế trước Singapore và Hong Kong – hai nơi có chi phí nhân công đắt đỏ bậc nhất thế giới. Mức lương trung bình trong ngành tài chính tại Singapore có thể gấp nhiều lần Việt Nam, khiến các định chế quốc tế buộc phải tìm đến những thị trường chi phí thấp để vận hành các trung tâm dịch vụ toàn cầu (Global Service Centre). Trong cuộc đua đó, Việt Nam đang nổi lên bên cạnh các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Philippines hay Malaysia. Nếu so với Bangkok hay Kuala Lumpur, Việt Nam thậm chí có lợi thế về lực lượng lao động trẻ và chi phí nhân công thấp hơn 30–50% ở một số vị trí công nghệ.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở “giá rẻ”. Để thực sự cạnh tranh, Việt Nam phải chuyển từ lợi thế chi phí sang lợi thế năng suất – tức là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao trong khi vẫn giữ được chi phí hợp lý.
Bởi xét về trình độ, Singapore và Hong Kong vẫn dẫn đầu khu vực với lực lượng chuyên gia giàu kinh nghiệm và am hiểu thị trường toàn cầu. Malaysia nổi trội nhờ nền tảng tiếng Anh và kinh nghiệm mở cửa sớm; Thái Lan cũng có chi phí thấp nhưng hạn chế ở kỹ năng ngoại ngữ. Trong khi đó, người lao động Việt Nam ghi điểm nhờ tinh thần cầu tiến, khả năng thích nghi công nghệ nhanh và văn hóa làm việc chăm chỉ – đây chính là “lợi thế mềm” có thể tạo khác biệt.
Trong dài hạn, khi kinh tế phát triển, mức lương chắc chắn sẽ tăng lên; do đó Việt Nam cần tranh thủ “cửa sổ cơ hội chi phí thấp” hiện nay để thu hút tối đa dự án và đào tạo đội ngũ. Một khi đã hình thành được cụm dịch vụ tài chính với nhân lực lành nghề, lợi thế sẽ tự củng cố nhờ quy mô và kinh nghiệm, giúp Việt Nam duy trì sức cạnh tranh ngay cả khi chênh lệch lương dần thu hẹp.
So với các trung tâm tài chính trong khu vực, Việt Nam có khởi điểm chậm hơn nhưng có cơ hội đi tắt đón đầu ở những lĩnh vực mới nổi như Fintech, tài chính xanh,… Singapore và Hong Kong gợi mở mục tiêu dài hạn về một trung tâm toàn diện, còn Bangkok và Kuala Lumpur cho thấy tầm quan trọng của chính sách linh hoạt và lựa chọn phân khúc phù hợp.
Thực tế, hiện nay TP. HCM mới chỉ xếp hạng 98/119 trong danh sách các trung tâm tài chính toàn cầu, đứng dưới Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok và Jakarta. Do đó, Việt Nam cần một lộ trình phát triển khôn ngoan, không sao chép máy móc mô hình của nước khác mà kết hợp linh hoạt để tạo lợi thế cạnh tranh riêng.
TS Nguyễn Tiến Chương
Nguồn : https://vietnamfinance.vn/viet-nam-o-dau-tren-ban-do-tai-chinh-chau-a-d125650.html.