Bóc trần lỗ hổng nghiêm trọng trong thực thi pháp luật

by HDgroup
2 views

Đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá với quy mô lớn với doanh thu gần 500 tỷ đồng xảy ra tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group.

Vụ việc này đã đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc sản xuất hàng hoá. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính -VietnamFinance có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLAW.

– Vụ việc này đã đặt ra câu hỏi lớn về vấn đề quản lý. Vậy các cơ quan quản lý sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trong vụ việc này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đường dây sản xuất sữa giả vừa bị Bộ Công an triệt phá không chỉ là vụ án kinh tế đơn thuần mà còn bộc lộ rõ những lỗ hổng trong hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt là ở cấp thực thi.

Về nguyên tắc, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng… đều phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, nhãn mác, quảng cáo và hậu kiểm. Những điều này đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật như Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, và các quy chuẩn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, điều đáng nói là vụ việc này diễn ra công khai trong suốt 4 năm, với hàng trăm sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, mà vẫn không bị phát hiện sớm.

Điều này cho thấy một số vấn đề còn bất cập như sau:

Đầu tiên, công tác thanh tra, hậu kiểm còn hình thức hoặc không được triển khai đúng trọng tâm.

Tiếp theo, thiếu sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng, như y tế, công thương, quản lý thị trường, công an, thông tin – truyền thông.

Và việc ứng dụng công nghệ vào giám sát, cảnh báo sớm còn hạn chế, trong khi các đối tượng vi phạm lại rất nhanh nhạy trong việc lợi dụng không gian mạng.

Do đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vụ việc này cần được xem xét khi cơ quan công an có kết luận điều tra, từ kết luận điều tra mới có thể xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng để xảy ra tình trạng này.

Theo quan điểm của tôi, dư luận đang rất bức xúc nhưng chúng ta cũng cần kiên nhẫn, thận trọng đợi quá trình điều tra của cơ quan công an.

– Nhưng chúng ta đã có pháp luật về phòng chống hàng nhái, hàng giả. Vậy nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu? Là lỗi tại pháp luật hay lỗi do vấn đề thực thi, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Pháp luật phòng chống hàng giả hiện nay về cơ bản đã có đầy đủ hành lang pháp lý, từ xử phạt hành chính đến chế tài hình sự.

Tuy nhiên, vẫn còn những lỗ hổng nghiêm trọng trong thực tiễn áp dụng, đặc biệt là:

Thứ nhất, cơ chế tự công bố sản phẩm (theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP) bị lạm dụng và thiếu khâu hậu kiểm trên thực tế.

Thứ hai, với một số nhóm thực phẩm chức năng, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ là có thể đưa sản phẩm ra thị trường mà không qua khâu thẩm định hay kiểm nghiệm độc lập. Nếu không có hậu kiểm nghiêm túc, điều này vô tình tiếp tay cho các sản phẩm giả, kém chất lượng “hợp pháp hóa” giấy tờ.

Thứ ba, chế tài hành chính chưa tương xứng với hậu quả: 

Vì vậy, tôi cho rằng đã đến lúc phải rà soát và sửa đổi các quy định liên quan đến quản lý sản phẩm tiêu dùng đặc biệt – như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm…; đồng thời nâng cao vai trò của công nghệ, tăng cường thanh tra đột xuất và xử lý hình sự những trường hợp gây hậu quả lớn.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh sản phẩm sữa – Ảnh: Bộ Công Thương.

– Bộ Công Thương đã lên tiếng khẳng định cơ quan quản lý trong lĩnh vực này là Bộ Y tế vì bộ này mới là cơ quan cấp phép. Vậy trách nhiệm trong vụ việc này là của cơ quan cụ thể nào?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Vụ việc gần 600 loại sữa bột giả với tổng giá trị lên tới gần 500 tỷ đồng được sản xuất và lưu hành trong thời gian dài mà không phát hiện được kịp thời, đây rõ ràng cho thấy một lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác phối hợp quản lý nhà nước giữa các cơ quan chức năng.

Trong vụ việc này, việc Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của lực lượng Quản lý thị trường, lên tiếng khẳng định rằng trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế vì đây là cơ quan cấp phép sản phẩm.

Trên thực tế, mặc dù Bộ Y tế là đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép và lưu hành và hậu kiểm chất lượng sản phẩm, nhưng lực lượng Quản lý thị trường, trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan có chức năng và thẩm quyền trực tiếp trong việc giám sát thị trường, kiểm tra hoạt động lưu thông hàng hóa, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái.

Chúng ta cũng cần nhắc tới trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc hậu kiểm và kiểm soát chất lượng các sản phẩm đã được cấp phép. Nếu hệ thống giám sát chất lượng của ngành y tế được thực hiện đúng và hiệu quả, thì những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, gLuật sư Nguyễn Thanh Hàiả mạo nhãn mác hoặc không rõ nguồn gốc sẽ bị phát hiện từ sớm.

Từ góc độ pháp lý, vụ việc này không chỉ đơn thuần là một hành vi vi phạm hành chính hay hình sự của doanh nghiệp, mà còn là biểu hiện rõ nét của sự thiếu hiệu quả trong cơ chế phối hợp liên ngành.

Thay vì đưa ra các tuyên bố để phủ nhận trách nhiệm, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, rà soát lại toàn bộ quy trình kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, đề xuất các phương án xủ lý kịp thời.

Còn trách nhiệm cụ thể, theo quan điểm của tôi, chúng ta cần đợi quá trình điều tra của cơ quan công an mới có thể xác định được rõ trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, từng cá nhân liên quan.

Đồng thời, Chính phủ nên xem xét sửa đổi các quy định pháp luật nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền giữa các bộ, ngành. 

– Như vậy, rõ ràng là đã có sự chồng chéo trách nhiệm trong công tác quản lý các mặt hàng. Điều này kéo theo tình trạng căng thẳng truyền bóng trách nhiệm, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Tình trạng chồng chéo trong trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước là một vấn đề tồn tại nhiều năm, không chỉ trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, mà còn ở nhiều lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc “nhiều nơi quản nhưng không ai chịu trách nhiệm đến cùng”, gây khó khăn trong thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Cụ thể, trong việc phối hợp trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định như sau (Điều 41 Nghị định 15/2018/NĐ-CP):

Bộ Y tế chủ trì xây dựng chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện chương trình thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, các bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp.

Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm. Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Khi phát hiện sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của bộ, ngành khác vi phạm và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và kết luận.

– Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề này một cách triệt để?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để xử lý tình trạng này, cần làm rõ 3 vấn đề sau: Thứ nhất, phân định rõ trách nhiệm chủ trì – phối hợp bằng văn bản pháp luật hoặc quy chế liên ngành.

Ví dụ, trong mỗi loại sản phẩm (Thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm…), cần xác định rõ cơ quan nào là đầu mối chịu trách nhiệm chính từ khâu cấp phép, hậu kiểm đến xử lý vi phạm và cơ quan nào là phối hợp, có quyền chia sẻ dữ liệu và cùng hành động khi có dấu hiệu vi phạm. Không để tình trạng đá bóng trách nhiệm khi sự việc xảy ra.

Thứ hai, thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu quản lý và cảnh báo sớm liên ngành.

Hiện nay, thông tin về cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vi phạm, sản phẩm bị thu hồi… vẫn rời rạc, chưa có hệ thống cảnh báo chung. Nếu xây dựng được cơ sở dữ liệu tập trung – liên thông giữa các bộ ngành và địa phương – thì việc phát hiện bất thường, kiểm soát đầu vào và ngăn chặn từ sớm sẽ hiệu quả hơn.

Thứ ba, tăng cường trách nhiệm cá nhân và kiểm điểm người đứng đầu

Nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng kéo dài, cần xác định rõ đơn vị, cá nhân quản lý trực tiếp, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và xử lý hành chính theo quy định. Điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng “quản lý tập thể nhưng không ai chịu trách nhiệm cá nhân”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn : https://vietnamfinance.vn/vu-600-loai-sua-gia-boc-tran-lo-hong-nghiem-trong-trong-thuc-thi-phap-luat-d125308.html.

You may also like