Cung cấp 6 triệu m3 cát biển
Ngày 29.6, mỏ cát biển thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng chính thức được khai thác phục vụ cho thi công thí điểm đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Ông Đỗ Minh Châu – Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C – thông tin, với 6 triệu m3 đơn vị sẽ thi công trong 6 tháng. Công suất đăng ký từ 35.000-50.000m3/ngày được tính toán từ nhu cầu, tiến độ cấp cát về các dự án.
Ngay từ ngày 1.7, số cát này sẽ được vận chuyển đến công trường để thi công thí điểm đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Từ Km 81+000 đến hết phạm vi tuyến chính tại Km126+223 thuộc địa bàn huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu); huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang); huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và từ Km 6+522 đến Km16+510 đoạn tuyến nối Cà Mau thuộc địa bàn các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và Cái Nước, (tỉnh Cà Mau).
Ông Trần Văn Thi – Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận – cho biết, việc mở rộng thí điểm thi công trên dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để Bộ GTVT và các địa phương đánh giá, mở rộng phạm vi sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đối với các dự án đường cao tốc đang được triển khai trong khu vực tại thời điểm hiện tại và tương lai.
Liên quan đến việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển, theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, tỉnh đã có công văn gửi 28 tỉnh, thành phố có 21 dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn về việc đăng ký nhu cầu sử dụng cát biển của tỉnh Sóc Trăng phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết Quốc hội.
Ông Lâu thông tin, đến nay tỉnh nhận được nhu cầu đăng ký sử dụng cát biển của các tỉnh với tổng nhu cầu 24,9 triệu m3. Trong đó, tỉnh Hậu Giang 3,5 triệu m3; thành phố Cần Thơ 4,7 triệu m3; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả 4,32 triệu m3 (giai đoạn 2025 – 2026); Ban quản lý dự án 85 là 5,37 triệu m3; Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là 6 triệu m3 và Ban quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh 600.000 m3.
Cát sông cũng sẵn sàng cho dự án
Tương tự, sáng ngày 30.6 mỏ cát MS05 nằm trên sông Hậu thuộc địa bàn xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung cũng vừa được khai thác. Đây là mỏ cát sông đầu tiên khai thác trong 5 mỏ được tỉnh Sóc Trăng bàn giao cho các nhà thầu thi công khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Theo đó, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn được giao khai thác mỏ cát có diện tích khoảng 100ha, với tổng trữ lượng cát hơn 1,1 triệu m3. Công suất khai thác trong năm đầu tiên là 1 triệu m3, tương đương với trên 83.000m3/tháng. Năm thứ hai, công suất khai thác là hơn 141.000m3/năm. Mức sâu khai thác từ cote -8,5m đến -16m.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 12 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, sẽ chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và con người, khắc phục mọi khó khăn để khai thác mỏ cát đạt hiệu quả cao nhất, từ đó thi công dự án bảo đảm chất lượng, đáp ứng tiến độ yêu cầu; vận chuyển, sử dụng đúng mục đích phục vụ cho dự án đường cao tốc.
Trước đó cuối năm 2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát, tổng diện tích hơn 450ha với trữ lượng hơn 11 triệu m³ cho các nhà thầu.
Ông Ngô Thái Chân – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng – cho hay, 4 mỏ cát còn lại, các nhà thầu đang thực hiện hồ sơ, thủ tục cam kết bảo vệ môi trường; đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông và đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoảng sản theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.