Trước cơn lốc hàng giá rẻ Trung Quốc, doanh nghiệp nội và người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ gì?

by HDgroup
31 views

Thời gian gần đây, các “ông lớn” thương mại điện tử Trung Quốc đang có những động thái mới để tìm cách tiếp cận đến thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Trong khi người tiêu dùng được hưởng lợi từ những chiến lược cạnh tranh này thì doanh nghiệp Việt bị đẩy vào thế khó khăn chưa từng có.

Hàng giá rẻ qua Temu, Taobao, 1688… tìm cách tràn vào thị trường Việt

Theo công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works, Temu – sàn thương mại điện tử giá rẻ đình đám của Trung Quốc, sắp chính thức có mặt tại Việt Nam, cho phép người dùng dễ dàng mua sắm hàng hóa từ Trung Quốc ngay trên ứng dụng.

Tại Việt Nam, Temu chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng và chỉ có 2 đơn vị logistics là Ninja Van và Best Express tham gia vận chuyển. Việc ấn định hai đơn vị vận chuyển cũng là ý đồ của Temu khi muốn tập trung vào tốc độ giao hàng đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Các sản phẩm được mua qua sàn Temu sẽ được vận chuyển trực tiếp từ kho Trung quốc về Việt Nam chỉ trong 4 – 7 ngày, nhanh hơn nhiều so với thời gian vận chuyển tại thị trường Malaysia và Philippines bởi con đường vận chuyển bằng đường bộ dễ dàng từ Quảng Châu đến Việt Nam.

Temu đang không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á

Ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 09/2022, Temu nhanh chóng mở rộng sang Canada, Australia, New Zealand, và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á. Hiện tại, nền tảng này đang tiếp cận thị trường Việt Nam và Brunei. Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Momentum Works cho thấy, với sự gia nhập của 2 thị trường mới, Temu hiện đã phủ sóng rộng khắp 82 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu (tính đến ngày 07/10/2024).

Một trong những lý do chính khiến Temu trở nên nổi bật trên thị trường thương mại điện tử là chính sách giá cả vô cùng hấp dẫn. Bằng cách cung cấp các ưu đãi nhiều chiết khấu hơn cả Shein, thậm chí giảm giá sản phẩm xuống mức kỷ lục, Temu đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh đáng kể. Bên cạnh đó, việc miễn phí vận chuyển và cung cấp dịch vụ trả hàng đã giúp Temu nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo dựng lòng trung thành.

Trong khi đó, 1688.com – nền tảng bán buôn thuộc tập đoàn Alibaba chủ yếu phục vụ nội địa đã bất ngờ thêm ngôn ngữ tiếng Việt trên phiên bản iOS và hỗ trợ giao hàng tới địa chỉ người dùng ở Việt Nam. Trước đó, ứng dụng này chỉ có tiếng Trung Quốc. 

Theo đó, khi truy cập ứng dụng, người dùng Việt Nam có thể thấy các giao diện như thanh toán, vận chuyển, trả hàng… đã được thể hiện bằng tiếng Việt. Đáng chú ý, nền tảng thương mại điện tử này còn tạo nhóm WhatsApp Việt Nam để hỗ trợ và cập nhật các tính năng mới.

Sàn thương mại điện tử 1688 đã hỗ trợ tiếng Việt

Với thay đổi này, người Việt có thể lựa chọn và thao tác mua hàng tương tự như khi sử dụng trên các ứng dụng thương mại điện tử khác. Bên cạnh đó, nền tảng này cũng hỗ trợ các loại thẻ quốc tế, ngoài kênh ví nội địa Trung Quốc là Alipay. Ngoài ra, nhiều nội dung hướng dẫn về vận chuyển cũng được hiển thị tiếng Việt song song với tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, nội dung tiếng Việt mới chỉ giới hạn một phần nhỏ, khi chọn sản phẩm, ứng dụng vẫn sẽ chuyển về tiếng Trung Quốc khiến người dùng Việt Nam gặp khó khăn.

Trước đó, Taobao – nền tảng bán lẻ chủ lực của Alibaba, đã rục rịch “tấn công” thị trường quốc tế bằng chương trình vận chuyển miễn phí cho các đơn hàng quần áo. Động thái này được xem là một nỗ lực nhằm cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu và Shein. 

Theo thông tin từ Alibaba, các nhà bán trong danh mục thời trang, gồm quần áo nam nữ, trang phục thể thao, giày, túi xách, phụ kiện, v.v. đều đủ điều kiện tham gia.

Alibaba tuyên bố: “Trong lĩnh vực thời trang nhanh, những nhà bán của Taobao sở hữu lợi thế lớn trên quy mô toàn cầu, vì họ đã có kinh nghiệm vận hành các cửa hàng thương mại điện tử, cũng như hậu thuẫn bởi chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nơi được mệnh danh là ‘công xưởng của thế giới’”.

Taobao miễn phí giao hàng tới một số thị trường lớn ở lân cận và Đông Nam Á

Khi đã đăng ký chương trình thành công và có được đơn hàng quốc tế, các nhà bán chỉ cần gửi hàng đến kho chung ở Trung Quốc, sau đó Alibaba sẽ xử lý quá trình vận chuyển xuyên biên giới. Hiện tại, chương trình này chỉ hỗ trợ vận chuyển đến một số thị trường châu Á như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Hàn Quốc. Họ dự kiến sẽ bổ sung các khu vực khác vào cuối năm nay. 

Tại Việt Nam, ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.

Đây có thể được coi là những động thái mở đường cho Alibaba thâm nhập sâu hơn vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Một quản lý cấp cao của Taobao tiết lộ rằng đây là thay đổi chiến lược quan trọng nhất của họ trong năm nay. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ trả lại hàng may mặc, đặc biệt là quần áo nữ mua qua livestream, đang ở mức cao.   

Cuộc chiến giành thị phần thêm khốc liệt

Trước khi có sự xuất hiện của Temu, Taobao hay 1688, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã rất sôi động và trở thành “cơ hội vàng” đối với các doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử. 

Theo báo cáo của Momentum Works, Việt Nam là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á vào năm 2023, với mức tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt gần 53% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2023 lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% (tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2022) và đạt quy mô trên 20,5 tỷ USD. 

Đà tăng trưởng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2024, khiến Việt Nam trở thành một thị trường đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, lợi thế về địa lý đã giúp thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu về Việt Nam được rút ngắn đáng kể, chỉ từ 4-7 ngày, so với các thị trường khác như Malaysia hay Philippines.

Tại Việt Nam, cuộc đua thương mại điện tử đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa bốn sàn lớn gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki. Số liệu từ Metric gần nhất cho thấy, doanh số quy mô 5 sàn TMĐT nêu trên trong sáu tháng đầu năm 2024 đạt 143.900 tỷ đồng, tăng trưởng 54,91% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, trong sáu tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng áp đảo của hai sàn Shopee và TikTok Shop. Và đây cũng là hai sàn có tăng trưởng về doanh số, trong khi ba sàn còn lại “đi lùi”.

Cụ thể hơn: nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần; TikTok Shop có 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần; Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).

Còn theo thống kê của YouNet ECI, trong quý II/2024, Shopee có 261.000 nhà bán, gấp hơn 2 lần TikTok Shop (113.000 nhà bán), Lazada (104.000 nhà bán), trong khi Tiki có 8.800 nhà bán, giảm đến 19,1%.

Tiki đang là doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất trong các sàn TMĐT tại Việt Nam nhưng đang bị ‘bỏ lại phía sau’ trong cuộc chiến khốc liệt. Cứ mỗi khi thị trường Việt Nam xuất hiện người chơi mới, thị phần của Tiki lại giảm xuống. Cả Shopee, TikTok Shop và Lazada đều đã thông báo về việc có lợi nhuận; trong khi Tiki vẫn báo lỗ.

Giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, thao tác đặt hàng khá đơn giản… là những lợi ích mà doanh nghiệp Trung Quốc mang lại cho người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, chính điều này đang tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp nội địa và các đơn vị trung gian hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam khi khách hàng Việt Nam có thể dễ dàng mua trực tiếp từ sàn.

Sự xâm chiếm thần tốc của những sàn TMĐT giá rẻ như Temu có thể được sẽ giống với cách TikTok Shop càn quét thị trường ở khu vực Đông Nam Á. Báo cáo của Momentum Works chỉ ra rằng, năm 2021 TikTok Shop chỉ chiếm 0,6% GMV trên sàn TMĐT ở khu vực Đông Nam Á, nhưng tới năm 2023, tay đua này đã chiếm tới 16,3%; kéo tụt thị phần của ông lơn Lazada tại các thị trường này. Bằng chính sách giá rẻ kịch sàn, sự nhạy cảm với các xu hướng tiêu dùng kết hợp cùng nội dung giải trí đa dạng, Shein – TikTok Shop – Temu đang khiến cả thế giới e ngại.

Doanh nghiệp và người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ gì?

Đánh giá về việc các trang thương mại điện tử Trung Quốc có các động thái nhắm đến thị trường Việt Nam, ông Phạm Bảo Trung – Cố vấn giải pháp tăng trưởng khách hàng của Metric, một nền tảng phân tích dữ liệu của thương mại điện tử – cho rằng sự mở rộng của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao và 1688 vào thị trường Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể học hỏi được cách vận hành thương mại điện tử hiện đại từ quy trình giao hàng, chuỗi cung ứng đến các công nghệ bán hàng trực tuyến như livestream hay tối ưu hóa sản phẩm như thiết kế gian hàng, lựa chọn từ khóa sản phẩm, mô tả sản phẩm…

Đây sẽ là cơ hội để tiếp cận các nguồn cung ứng đa dạng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Họ có thể tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ livestream, hệ thống kho vận và các trung tâm logistics do Trung Quốc đầu tư dọc biên giới để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình. “Thậm chí, nếu thực sự có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thế mạnh về sản phẩm đặc trưng, hoàn toàn có thể tận dụng để tiếp cận được người mua hàng tại Trung Quốc, bán ngược những sản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài”, ông Trung nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), sự mở rộng của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao và 1688 vào thị trường Việt Nam cũng tạo nên thách thức lớn với doanh nghiệp trong nước. 

“Các doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt về giá. Ngoài ra, việc quản lý, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng sẽ phức tạp hơn do số lượng hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh”, vị chuyên gia nhìn nhận.

Ông Phạm Bảo Trung cho rằng nếu không có biện pháp quản lý và kiểm soát chất lượng, hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam. “Với lợi thế về sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, cũng như giá thành cạnh tranh, các sản phẩm từ nhà bán hàng Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của nhà bán hàng nhỏ lẻ của Việt Nam”, ông nhận định.

Cùng với đó, các nhà bán hàng Việt Nam cũng cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện dịch vụ khách hàng để tạo ra sự khác biệt. Đồng thời, họ cần tận dụng dữ liệu và phân tích từ các nền tảng để theo dõi xu hướng thị trường, nắm bắt nhu cầu khách hàng và đối phó linh hoạt với những thay đổi trong môi trường cạnh tranh.

Cần thiết những quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử qua biên giới

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đáng chú ý, về phát triển thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử từ nay đến 2030, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục rà soát pháp luật về thương mại điện tử (lưu ý bổ sung quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử qua biên giới đang có xu hướng ngày càng phổ biến và khó kiểm soát).

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận hành nền tảng công nghệ phát triển các mô hình, giải pháp và dịch vụ thương mại điện tử. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công phục vụ cho thương mại điện tử. Xây dựng thị trường thương mại mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho biết mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thị trường thương mại điện tử phát triển thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương xây dựng khung khổ pháp lý chuẩn bị cho sự ra đời và đưa vào sử dụng đồng tiền điện tử nhằm hỗ trợ cho các giao dịch thương mại trên môi trường trực tuyến, đặc biệt là trong các giao dịch thông qua thương mại điện tử.

Trung Anh


Nguồn : https://thuongtruong.com.vn/news/truoc-con-loc-hang-gia-re-trung-quoc-doanh-nghiep-noi-va-nguoi-tieu-dung-doi-mat-voi-nguy-co-gi-128009.html.

You may also like