Người bán hàng điều chỉnh chiến lược để ‘sống sót’

by HDgroup
2 views

Bắt đầu từ ngày 1/4/2025, Shopee và TikTok Shop sẽ áp dụng chính sách phí mới, với một số ngành hàng chịu mức phí tăng gấp ba lần. Trước sự thay đổi này, nhiều nhà bán hàng phải điều chỉnh chiến lược, từ tối ưu quy trình vận hành đến mở rộng kênh phân phối để duy trì lợi nhuận.

Người bán hàng gặp khó

Theo chính sách mới của Shopee, một số ngành hàng sẽ phải chịu mức phí cố định cao hơn, với mức tăng lên đến 10%. Cụ thể, phí cố định đối với phụ kiện điện tử và thiết bị đeo thông minh sẽ tăng từ 3% lên 9%, tức gấp ba lần so với trước. Ngoài ra, các ngành hàng không nằm trong danh mục miễn trừ, bao gồm thời trang, làm đẹp, thực phẩm và đồ uống, cũng sẽ bị áp dụng mức phí mới lên đến 10%.

Bên cạnh đó, Shopee cũng sẽ ngừng cung cấp gói Freeship Extra dành cho người bán, thay vào đó là chương trình ưu đãi phí vận chuyển toàn sàn với mã giảm giá freeship trị giá tối đa 500.000 đồng. Đồng thời, sàn điều chỉnh chính sách về phí trả hàng/hoàn tiền, yêu cầu người bán phải tự chi trả toàn bộ chi phí, trừ khi sử dụng dịch vụ PiShip – gói hỗ trợ vận chuyển với mức phí 2.300 đồng/đơn.

Trước đây, các nền tảng thương mại điện tử thường hỗ trợ khoản chi phí này nếu lỗi không thuộc về người bán hay sản phẩm, nhưng hiện tại, người bán sẽ phải chịu hoàn toàn.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, nhiều nhà bán hàng trên Shopee bày tỏ sự lo ngại.

Chị Lê Thị Hường, nhân viên phụ trách thương mại điện tử của một cửa hàng thời trang trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), chia sẻ:  “Người bán hàng đang chịu áp lực lớn khi liên tục phải thích ứng với các chính sách thay đổi. Chúng tôi buộc phải cắt giảm ngân sách vận hành hoặc chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, trong khi vẫn phải duy trì sức cạnh tranh để giữ chân khách hàng”.

Trước đây, cửa hàng của Khánh chỉ chịu mức phí cố định 4%, nhưng từ tháng 4/2025, con số này sẽ tăng lên 10%. Theo chị Hường, những lần điều chỉnh trước thường có lộ trình rõ ràng, nhưng lần này, mức phí mới được áp dụng đồng loạt trên nhiều nền tảng, khiến người bán khó kịp xoay sở. Không chỉ phí cố định tăng, các chi phí vận hành khác cũng leo thang, gây áp lực tài chính đáng kể lên cửa hàng.

Để đối phó với sự thay đổi này, chị Hường dự định điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mở rộng thêm kênh bán hàng: “Về lâu dài, chúng tôi sẽ phát triển các kênh bán hàng riêng như website, mạng xã hội và xây dựng hệ thống khách hàng thân thiết để giảm sự phụ thuộc vào các sàn thương mại điện tử.”

Không chỉ Shopee, TikTok Shop cũng thông báo điều chỉnh biểu phí hoa hồng, áp dụng từ ngày 1/4/2025. Cụ thể, phí hoa hồng với gian hàng thông thường sẽ tăng từ 1% – 3% lên 1% – 4%. Trong khi đó, các cửa hàng thuộc phân khúc Shop Mall sẽ phải chịu mức phí mới từ 6,05% – 7,7%, cao hơn khoảng 2% so với trước đây. Ngoài ra, người bán còn phải chịu thêm phí giao dịch 5% và phí vận chuyển, khiến tổng chi phí kinh doanh trên TikTok Shop tăng lên đáng kể.

Trước những thay đổi này, nhiều chủ cửa hàng lo ngại về áp lực tài chính ngày càng lớn khi kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Chị Lê Ngọc Hoa, kinh doanh nailbox và trang sức trên TikTok Shop tại Hà Nội, cho biết: “Chính sách mới khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Với những doanh nghiệp nhỏ, vốn đã có lợi nhuận thấp, việc tăng phí khiến bài toán kinh doanh trở nên phức tạp hơn. Nếu tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí, chúng tôi có nguy cơ mất khách, nhưng nếu giữ nguyên giá, lợi nhuận sẽ bị thu hẹp”

Quang Vinh kinh doanh đồ gia dụng tại Bắc Ninh, cũng bày tỏ lo ngại: “Với mức phí sàn cao hơn, nếu muốn tiếp tục duy trì kinh doanh, chúng tôi buộc phải tăng giá bán. Nhưng làm vậy sẽ mất lợi thế cạnh tranh.” Toàn đang cân nhắc mở rộng sang các kênh như Facebook hoặc xây dựng website riêng, dù nhận thấy rằng việc tiếp cận lượng khách hàng lớn như trên TikTok Shop sẽ không dễ dàng.

Nhiều nhà bán hàng phải điều chỉnh chiến lược, từ tối ưu quy trình vận hành đến mở rộng kênh phân phối để duy trì lợi nhuận.

Nhà bán hàng bị loại nếu không điều chỉnh

Dưới góc nhìn của ông Lê Hải Vũ, CEO Velasboost, mức phí cơ bản trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay đã tiệm cận 20%, gây áp lực lớn lên lợi nhuận của nhà bán hàng, đặc biệt là trong các ngành hàng phổ thông và sản phẩm đại trà. Ông nhận định: “Nếu áp lực cạnh tranh tiếp tục gia tăng và lợi nhuận bị bào mòn quá mức, nhiều nhà bán hàng nhỏ sẽ buộc phải rời bỏ thị trường. Với mức chi phí hiện tại, đây có thể là giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng rút lui này.”

Một số nhà bán hàng có thể lựa chọn tăng giá để bù đắp chi phí, nhưng theo ông Vũ, điều này sẽ đẩy họ vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ và thậm chí cả các nền tảng khác. Đặc biệt, những nhà bán hàng nhỏ chưa tối ưu được quy trình vận hành sẽ gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ bị đào thải.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc các sàn thương mại điện tử tăng phí là xu hướng tất yếu. Sau một thời gian dài chấp nhận lỗ để thu hút người bán và người mua, khi nền tảng đã có đủ cả số lượng lẫn chất lượng, thói quen sử dụng của khách hàng đã được định hình, đây là thời điểm thích hợp để các sàn điều chỉnh chính sách phí.

Ông nhấn mạnh: “Những nhà bán hàng không có sản phẩm độc quyền và chưa tối ưu vận hành sẽ gặp thách thức lớn trong việc cạnh tranh về giá. Để tồn tại, họ cần tập trung vào tối ưu chi phí, phát triển sản phẩm và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh”.

Trong khi đó, Shopee cho biết các điều chỉnh về phí được thực hiện sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên diễn biến thị trường và nhu cầu của cả người mua lẫn người bán. Theo nền tảng này, nguồn thu từ phí sẽ được tái đầu tư nhằm nâng cấp hệ thống và triển khai các giải pháp hỗ trợ nhà bán hàng phát triển bền vững.

Thanh Cao


Nguồn : https://thuongtruong.com.vn/news/tang-phi-tren-shopee-tiktok-shop-nguoi-ban-hang-dieu-chinh-chien-luoc-de-song-sot-136767.html.

You may also like