Nghệ An nỗ lực kiểm soát hàng giả, hàng nhái trên môi trường mạng

by HDgroup
10 views

Số liệu từ báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến hết năm 2025 của UBND tỉnh Nghệ An, cho thấy trong 2 năm 2023 và 2024, tỉnh này đã kiểm tra và xử lý hơn 300 vụ vi phạm, phạt và truy thu thuế nhiều tỷ đồng tỷ đồng.

Xác định chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và liên tục của cả hệ thống chính trị, hàng năm UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử để chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền, địa phương tổ chức thực hiện.

Bám sát kế hoạch đề ra của tỉnh, các Sở, ngành trên địa bàn đã chủ động phối hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng thương mại điện tử. Kiên quyết đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Kết quả sau 2 năm thực hiện, các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan. Năm 2023, kiểm tra và xử lý 206 vụ vi phạm trong thương mại điện tử, xử phạt hành chính trên 705 triệu đồng; phạt và truy thu thuế thương mại điện tử trên 11.634 tỷ đồng. Năm 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý 144 vụ vi phạm trong thương mại điện tử, xử phạt hành chính trên 1,2 tỷ đồng; phạt và truy thu thuế thương mại điện tử trên 5,1 tỷ đồng.

Theo báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Đề án, các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website; cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường Internet; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu, hàng giả qua mạng xã hội Facebook, Zalo,…

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sau 2 năm thực hiện Đề án, Nghệ An đã tạo ra bước chuyển quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ việc kiểm tra hàng hóa đến việc xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Nhận thức của người kinh doanh, người tiêu dùng rõ hơn về việc tuân thủ các quy định trong việc sản xuất và phân phối hàng hóa, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm thiểu vi phạm.

Mặc dù vậy, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng vẫn còn nhiều thách thức. Các đối tượng kinh doanh thường không có địa điểm kinh doanh cố định, đa số tận dụng nhà ở để chứa hàng hóa và thường quảng cáo ngay tại nhà ở nên khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gây phức tạp và mất thời gian.

Hơn thế, việc đăng ký thông tin, mở tài khoản người bán hàng trên các trang mạng xã hội, nhất là các trang mạng xã hội mà chủ thể quản lý ở nước ngoài như Facebook, Twiter, Instagram,… là khá dễ dàng, do đó các đối tượng cố tình vi phạm thường lợi dụng để mở nhiều tài khoản, đăng ký các thông tin địa chỉ “ảo” mà không cung cấp thông tin thật; các bài đăng thường không ghi địa chỉ cụ thể gây khó khăn trong việc truy xuất thông tin, xác định địa điểm…

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phong, Cục phó Cục Quản lý thị trường Nghệ An, cho rằng: “Chiêu thức của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đưa người mua vào “ma trận”, gây nhầm lẫn, đánh lừa người mua. Nguy hiểm hơn, hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến ở mặt hàng thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng…”.

Trước tình hình này, và để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật trong thương mại điện tử dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người tiêu dùng về tác hại của việc buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Tuyên truyền cho người tiêu dùng thực hiện việc mua sắm tại các trang webside thương mại điện tử bán hàng, các sàn giao dịch điện tử uy tín để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, xác minh các thông tin, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn… đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm và có hiệu quả, triệt để các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Minh Đức


Nguồn : https://thuongtruong.com.vn/news/nghe-an-no-luc-kiem-soat-hang-gia-hang-nhai-tren-moi-truong-mang-130825.html.

You may also like