Bán lẻ di động bão hoà, TGDĐ, FPT Retail đang ‘all-in’ vào đâu?

by quoc_vu
115 views

Ông lớn bán lẻ ngừng mở chuỗi

Mới đây, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết trong quý 4/2022 sẽ tạm dừng mở mới cửa hàng ở tất cả các chuỗi, ngoại trừ “một số ít cửa hàng thử nghiệm hoặc các cửa hàng mang lại lợi nhuận ngay”.

Đồng thời, công ty cũng tiến hành “rà soát và cắt bỏ mọi thứ lãng phí, không hiệu quả, tiếp tục tìm cách thức tối ưu vận hành, tự động hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động”.

Tính đến cuối tháng 9, Thế Giới Di Động vận hành tổng cộng hơn 5.700 cửa hàng bán lẻ, trong đó bao gồm 3.362 cửa hàng điện thoại, điện máy, 1.727 siêu thị Bách Hóa Xanh, 529 nhà thuốc và 85 cửa hàng kinh doanh sản phẩm mẹ và bé, đồ thể thao.

Trong khi đó, FPT Retail từ lâu cũng không công bố thông tin về việc mở rộng chuỗi hệ thống bán lẻ di động FPT Shop.

Lạm phát cùng sức mua giảm khiến hoạt động kém khả quan

Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với doanh thu thuần đạt hơn 32.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 900 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2021, hai chỉ tiêu quan trọng của doanh nghiệp lần lượt tăng trưởng 32% và 15%.

Tuy nhiên, quý III năm trước là thời điểm kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động sụt giảm mạnh vì các phần lớn cửa hàng điện thoại, điện máy thuộc hệ thống phải đóng cửa vì đại dịch. Do đó, dù tăng trưởng so với cùng kỳ, kết quả doanh thu, lợi nhuận của Thế Giới Di Động trong quý III năm nay có thể xem là kém khả quan khi đi xuống so với quý trước đó.

Theo ban lãnh đạo Thế Giới Di Động, đang có một số thách thức chính đối với ngành bán lẻ nói chung và doanh nghiệp nói riêng gồm lạm phát tác động đến sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu. Song song đó là các vấn đề như chi phí đầu vào, đặc biệt chi phí tài chính tăng cao, rủi ro về tỷ giá, chuỗi cung ứng,…

Do đó trong quý cuối năm 2022, hệ thống bán lẻ này cho biết sẽ nỗ lực để đạt mức “tăng trưởng dương cho cả năm 2022 và trên hết là bảo vệ dòng tiền hoạt động”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định thị trường điện thoại đã bão hòa, xu hướng cửa hàng chuyên biệt lên ngôi khiến cho hoạt động của chuỗi Thế Giới Di Động không còn khả quan.

Trong khi những khó khăn sau dịch đang khiến không ít doanh nghiệp phải tái cơ cấu, thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa, việc liên tục mở rộng hệ thống của các doanh nghiệp có thể khiến kết quả kinh doanh đi ngược lại.

Chính vì vậy, việc cạnh tranh bằng cách “mở rộng độ phủ sóng về mặt bằng” không còn là chiến lược ưu tiên hàng đầu của các nhà bán lẻ.

Tìm hướng đi mới khi thị trường điện thoại đã bão hòa

Có thể thấy, đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều người tiêu dùng có xu hướng tìm đến những điểm bán dược phẩm có tên tuổi, hệ thống lớn bởi chất lượng và dịch vụ khách hàng được đảm bảo. Tiềm năng của thị trường bán lẻ thuốc tây đã khiến nhiều ông lớn bán lẻ thi nhau nhảy vào phát triển.

Chính vì vậy, Thế Giới Di Động đã quyết định “all-in” vào chuỗi bán lẻ dược phẩm An Khang.

Bán lẻ di động bão hoà, TGDĐ, FPT Retail đang all-in vào đâu? - Ảnh 1.

Ngày 15/7, chuỗi nhà thuốc An Khang công bố đạt cột mốc 500 cửa hàng chỉ sau nửa năm.

Từ cuối tháng 5/2022, mỗi tháng hệ thống mở mới khoảng 100 cửa hàng. Chỉ trong vòng vài tháng, từ 178 nhà thuốc, hệ thống này đã cán mốc 500 cửa hàng trên khắp miền Nam, tiến dần ra cả khu vực miền Trung và Bắc Bộ.

Cạnh tranh không kém trong cuộc đua với chuỗi nhà thuốc An Khang là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu của FPT Retail.

Vào đầu tháng 7/2022, FPT Retail cũng công bố chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu chính thức hoàn thành mục tiêu phủ sóng tại 63 tỉnh thành trên cả nước với gần 700 nhà thuốc và hơn 6.000 dược sĩ phục vụ. Đại diện hệ thống này tiết lộ sẽ cố gắng đạt 800 cửa hàng vào cuối năm 2022.

Theo chia sẻ từ FPT Retail, công ty này dốc sức đầu tư cho Long Châu do xác định thị trường điện thoại hiện nay đã bão hòa và dược phẩm là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này tin tưởng rằng sự lớn mạnh của Long Châu sẽ đi theo ‘sự bùng nổ’ của ngành dược trong thời gian tới.

Cùng với đó, trong quá trình vận hành bán lẻ di động, các ông lớn này cũng phát hiện ra việc bán lẻ đại trà không còn hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng như trước. Hiện nay, những chuỗi cửa hàng chuyên biệt (Mono Store) trở thành chiến lược mới họ.

Những năm trước đây, nếu muốn mua iPhone, người tiêu dùng thường chọn mua “hàng xách tay” ở các cửa hàng bán lẻ trong nước hoặc nhờ người mua xách tay từ nước ngoài. Cách mua này khiến người tiêu dùng dễ gặp rủi ro về chất lượng sản phẩm, lại không được bảo hành chính hãng hoặc muốn bảo hành cũng không có sự minh bạch.

Bán lẻ di động bão hoà, TGDĐ, FPT Retail đang all-in vào đâu? - Ảnh 2.

Tuy nhiên hiện nay, người tiêu dùng được tự do chọn lựa giữa hàng loạt cửa hàng đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam. Các đại lý này không chỉ bán hàng dưới dạng “uỷ quyền” mà còn được thiết kế như một Apple Store thu nhỏ (Mono Store), với mong muốn mang đến trải nghiệm mua sắm thân thiện nhất cho tín đồ Apple tại Việt Nam.

Trong đó có hàng loạt các thương hiệu như F.Studio của FPT Retail, Topzone của Thế Giới Di Động, Shopdunk, Di Động Việt, CellphoneS, 24hStore… đều đang đầu tư mạnh vào các Mono Store kiểu này. Thậm chí, FPT Retail và Shopdunk còn hợp tác với cả Samsung để mở Mono Store.

Tại những cửa hàng chính hãng này, chất lượng sản phẩm hoàn toàn được đảm bảo. Sự cạnh tranh chủ yếu nằm ở giá bán, dịch vụ khách hàng và các chương trình khuyến mãi.

Tuy nhiên, miếng bánh bị xé nhỏ, các hệ thống bán lẻ chính hãng phía trên luôn nằm trong tư thế cạnh tranh khốc liệt để dành được sự tin dùng từ khách hàng đối với hệ thống của mình.



Nguồn từ CafeF

You may also like