Quảng Trị mới: Đường lớn đã mở

by HDgroup
1 views

Sáp nhập để mạnh hơn

Từ ngày 1/7, tỉnh Quảng Trị mới đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.  

Tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập là kết quả của quá trình đánh giá dài hạn về hiệu quả quản trị và định hướng phát triển vùng. Đây là bước đi chiến lược, mở ra cơ hội lớn cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Tỉnh Quảng Trị sau sáp nhập có diện tích gần 12.700 km² và dân số hơn 1,86 triệu người, trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP. Đồng Hới.

Quảng Bình và Quảng Trị vốn chia sẻ nhiều yếu tố tương đồng về lịch sử, địa lý và cấu trúc kinh tế. Sáp nhập hai tỉnh giúp khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, cắt giảm chi phí vận hành và tăng quy mô hành chính – dân số để phục vụ các mục tiêu lớn hơn.

Phân tích từ các chuyên gia cho thấy ba điểm lợi lớn từ sáp nhập: tỉnh mới có thể xây dựng quy hoạch tích hợp toàn diện, kết nối từ biển vào biên giới, từ đô thị đến nông thôn; hợp nhất các thiết chế quản lý sẽ tăng tốc độ ra quyết định và giảm trùng lắp; quy mô lớn hơn đồng nghĩa với năng lực thu hút đầu tư và cạnh tranh cao hơn trên bản đồ kinh tế vùng.

“Lợi ích kinh tế lớn nhất của việc sáp nhập là tạo nên một không gian phát triển không bị giới hạn hành chính, cho phép quy hoạch đồng bộ, khai thác lợi thế tổng hợp và nâng sức cạnh tranh vùng”, phân tích từ các chuyên gia nhấn mạnh.

Hành lang kinh tế Đông – Tây là trục kết nối chiến lược giúp tỉnh mới liên kết nội vùng và xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở địa lý mà ở quản trị thể chế. Ý nghĩa lớn nhất của việc sáp nhập không phải chỉ ở việc có một tỉnh lớn hơn, mà là mở ra cơ hội tái cấu trúc mô hình phát triển cấp tỉnh, linh hoạt hơn và gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Vì thế, sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới không chỉ mở rộng về quy mô địa lý và dân số, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới mô hình thể chế – quản trị để vận hành hiệu quả một đơn vị hành chính lớn. Khó khăn không chỉ nằm ở việc tổ chức lại bộ máy, mà còn ở việc thiết lập nền tảng quản trị đủ mạnh, đủ linh hoạt và hiện đại.

Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh việc thiết lập thể chế đi liền với số hóa toàn diện. Việc xây dựng nền tảng dữ liệu số thống nhất cho tỉnh mới là điều kiện tiên quyết và chính quyền số cấp tỉnh phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tạo ra môi trường minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm thời gian.

Đồng thời, việc phân quyền theo chức năng sẽ tạo điều kiện phát huy thế mạnh riêng từng địa phương, giảm áp lực tập trung và tăng tính chủ động trong điều hành.

Quan trọng hơn là cần một hệ thống giám sát và đánh giá cần độc lập, khách quan và dựa trên kết quả thực tế thay vì báo cáo hành chính. Trong đó, tăng cường vai trò của các tổ chức phản biện chính sách, ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa quá trình ra quyết định và đảm bảo trách nhiệm giải trình của bộ máy hành chính.

Quảng Trị mới mở những lợi thế lớn cho tăng trưởng

Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới kế thừa những lợi thế kinh tế đa dạng của cả hai địa phương. Sự kết hợp giữa tuyến hành lang Đông – Tây, hệ thống cảng biển, tài nguyên thiên nhiên và vùng du lịch – nông nghiệp trọng điểm giúp tạo nên một không gian kinh tế tích hợp.

Kết nối hạ tầng – logistics tạo đà cho công nghiệp và FDI Phát huy tổng hợp năng lượng, nông nghiệp và du lịch vùng tỉnh Quảng Trị mới.

Tong đó, trục kết nối xuyên Á EWEC (Hành lang Kinh tế Đông – Tây) là điểm nhấn đầu tiên. Việc sở hữu toàn bộ trục đường từ cảng Hòn La đến cửa khẩu Lao Bảo tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh điều phối hoạt động logistics, giảm chi phí vận tải và hình thành cụm công nghiệp – dịch vụ dọc hành lang.

Bên cạnh đó, từ Cửa Việt đến Hòn La, hệ thống cảng có thể được tích hợp để phục vụ chuỗi logistics ven biển. Điều này đặc biệt quan trọng trong chiến lược hút đầu tư FDI, nhất là vào công nghiệp chế biến, công nghệ cao và xuất khẩu nông – thủy sản. Việc không còn “ranh giới hành chính” cho phép liên kết hạ tầng xuyên suốt, tránh đầu tư chồng lấn.

Tỉnh mới cũng có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với tài nguyên gió mạnh ở Hướng Hóa và nắng ổn định tại Quảng Ninh, Lệ Thủy, quy hoạch năng lượng có thể được tích hợp và đầu tư đồng bộ hơn. Thay vì triển khai nhỏ lẻ, tỉnh có thể mời gọi nhà đầu tư chiến lược, phát triển lưới điện truyền tải chung và nâng tỷ trọng năng lượng xanh.

Khu kinh tế Đông Nam của Quảng Trị với nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư bằng các dự án lớn

Lĩnh vực nông nghiệp cũng có cơ hội chuyển mình khi vùng nguyên liệu cao su, hồ tiêu, gỗ rừng trồng được kết nối để xây dựng chuỗi chế biến và tiêu thụ đồng nhất. Ngoài ra, mô hình nông nghiệp đặc sản – OCOP – có thể được chuẩn hóa và mở rộng theo hướng thị trường hóa.

Về du lịch, việc sáp nhập giúp tích hợp các điểm đến vốn bị chia tách trước đây: Phong Nha – Kẻ Bàng, Cửa Tùng – Cửa Việt, Thành cổ Quảng Trị. Tỉnh mới có thể phát triển tuyến du lịch di sản, du lịch biển, du lịch lịch sử và du lịch xuyên biên giới qua Lao Bảo – Sê Pôn, tạo nên sản phẩm đặc thù và có sức hút vùng.

Nguồn : https://vietnamfinance.vn/quang-tri-moi-duong-lon-da-mo-d129051.html.

You may also like