Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết đây không chỉ còn là đạo đức doanh nghiệp mà đã trở thành luật chơi mới sau sự kiện COP26 …
Đây là chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tại chương trình giao lưu với chủ đề Khát vọng Kiến tạo và Phát triển Thương hiệu Việt Nam Xanh trong khuôn khổ sự kiện công bố và Vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times tổ chức chiều 12/10.
Chia sẻ tại sự kiện, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết gần ba năm trải qua đại dịch là giai đoạn khó khăn thách thức nhất với mỗi doanh nhân.
“Trước thách thức đó, điều quan trọng nhất với doanh nhân là sự trụ vững, tiến lên và tinh thần kiên cường. Doanh nhân vốn dĩ làm việc với những thách thức, và mạo hiểm càng lớn thì kết quả càng lớn”, ông Bình nhấn mạnh.
Nói về việc phát triển thương hiệu xanh, Chủ tịch FPT cho biết đây không chỉ còn là đạo đức doanh nghiệp mà đã trở thành luật chơi mới sau sự kiện COP26 mà ở đó Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Xanh ngược lại là bẩn. Doanh nghiệp tạo ra nhiều CO2 sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Trước tiên là cái giá về vốn. Làm doanh nghiệp không sạch thì phải cộng thêm lãi suất về carbon. Mua bán giá của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ cộng thêm vào lượng phát thải carbon. Xuất khẩu sẽ đánh thuế carbon”, ông Bình phân tích. “Thế giới đang bước vào cuộc chơi mới mà Việt nam phải đi rất nhanh”.
Dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, bất ổn hơn như lạm phát, suy thoái kinh tế, xung đột Nga-Ukraine, Chủ tịch FPT cho rằng doanh nghiệp càng phải kiên định và sẵn sàng để quản trị những bất ổn đó.
“Bao nhiêu khó khăn sẽ dồn vào và chúng ta phải sẵn sàng trong mọi điều kiện. Đó là tính kiên cường của Việt Nam. Giống như bão vậy. Chúng ta không thể ước định phương hướng gió, định lượng nước mà chỉ có thể sẵn sàng”, ông nói. “Dĩ bất biến ứng vạn biến. Cái bất biến ở đây là sự kiên cường, trụ vững và tiến lên. Đó chính là tinh thần chiến đấu”.
Ông Bình chia sẻ ông luôn mơ ước về tương lai rất khác của Việt Nam và bày tỏ khát vọng rằng trí tuệ Việt Nam sẽ mở mang bờ cõi ra thế giới và Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ số thế giới. Trên thực tế, hiện Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới, sau Ấn Độ, về lực lượng sản xuất phần mềm trên 1 triệu người.
“Nếu được chọn các các từ khóa để phát triển thương hiệu mạnh và thương hiệu xanh, tôi xin chọn ba từ. Thứ nhất là kiên cường – đây là tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tinh thần đã đưa dân tộc Việt Nam đuổi giặc ngoại xâm. Từ thứ hai là sáng tạo. Thực chất chuyển đổi số là sáng tạo và tương lai từ nay trở đi chúng ta sẽ liên tục sáng tạo. Từ thứ ba là dấn thân, không tự hài lòng, dám mơ ước đứng đầu thế giới”, Chủ tịch FPT phát biểu tại sự kiện.
Lễ công bố và Vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp/thương hiệu được bình chọn, các doanh nhân xuất sắc, và đông đảo các doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh thủ đô…
Chương trình bao gồm một chuỗi các hoạt động hội thảo, diễn đàn, khảo sát, bình chọn và vinh danh các Thương Hiệu Mạnh Việt Nam của năm; Lễ công bố và Vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022; chương trình giao lưu doanh nhân xuất sắc 2022 cũng như các chuyên đề báo chí Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022…
Nguồn : VnEconomy