Việc nhận được khoản vay 55 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG) đã khẳng định năng lực, “sức khỏe” tài chính về an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản, và giá trị tín nhiệm của OCB…
Ngân hàng Phương Đông (OCB) vừa nhận khoản vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG).
Khoản vay kỳ hạn 5 năm nhằm hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của OCB, trong đó tối thiểu 50% giá trị khoản vay sẽ dành cho doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ, giúp thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong hoạt động kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất và cải thiện mức sống của các gia đình ở Việt Nam.
Với gần 50 năm hoạt động, nằm trong nhóm 15 thành viên hàng đầu của của Tổ chức Tài chính Phát triển châu Âu (EDFI), có mặt tại 19 quốc gia, đang quản lý danh mục đầu tư có giá trị 8,6 tỷ Euro gồm các khoản hợp tác tài chính cùng các tập đoàn tư nhân lớn và uy tín trên toàn cầu, DEG đã và đang cung cấp tài chính cho hơn 1.600 công ty tại nhiều quốc gia với tổng giá trị các khoản tài chính/cam kết cung cấp tài chính lên đến 11 tỷ Euro.
Việc DEG cung cấp khoản vay cho OCB đợt này trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát đi tín hiệu cảnh báo về khả năng suy thoái, thị trường vốn quốc tế nhiều biến động, đặc biệt những phát sinh trong hoạt động ngân hàng tại Mỹ và châu Âu gần đây, đã khẳng định năng lực và giá trị tín nhiệm của OCB. Vì các định chế tài chính nước ngoài khi chấp thuận cấp tín dụng, đòi hỏi ngân hàng Việt phải trải qua quá trình kiểm duyệt, thẩm định cực kỳ gắt gao về chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo quá trình phát triển an toàn, minh bạch và hiệu quả.
Ngoài ra, trong suốt quá trình duy trì khoản vay, ngân hàng phải nghiêm túc tuân thủ cam kết các chỉ số “sức khỏe” tài chính về an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản,…
“Chúng tôi xác định rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm khách hàng hàng trọng tâm của OCB, do đó ngân hàng đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp như: giảm lãi suất cho vay, xây dựng gói sản phẩm ưu đãi, miễn thuế phí… Với sự đồng hành, hỗ trợ thêm từ DEG, chắc chắn sẽ giúp OCB gia tăng điều kiện, linh hoạt các thủ tục để doanh nghiệp SME dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”, đại diện lãnh đạo OCB cho biết.
Trước những biến động từ thị trường trong và ngoài nước, OCB đã thực hiện hàng loạt các chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp như giảm đến 2,5%/năm khi vay USD; ưu đãi lãi suất VND chỉ từ 6,99%/năm cho khoản vay có kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và từ 7,99%/năm cho khoản vay từ 6 tháng trở lên, chương trình được triển khai từ nay đến hết 31/10/2023; Cắt giảm nhiều loại phí như: phí cấp hạn mức tín dụng (không bảo đảm bằng 100% giấy tờ có giá do chính tổ chức tín dụng phát hành), phí cấp tín dụng không có tài sản bảm đảm tạm thời, phí nhận ủy thác để cấp tín dụng… cùng nhiều loại phí, lệ phí khác.
Bên cạnh đó, OCB còn thực hiện hỗ trợ miễn, giảm phí cho khách hàng khó khăn, triển khai các chương trình, gói sản phẩm có ưu đãi về phí giao dịch. Đơn cử như gói tài khoản siêu ưu đãi: miễn 100% phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, miễn 100% phí nộp ngân sách nhà nước, miễn phí chi lương, miễn phí sử dụng OMNI doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định cho các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp mới giao dịch tại OCB hoặc doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực trọng tâm như: Vận tải – vận chuyển – kho bãi, giáo dục, nhà hàng – khách sạn và thương mại hàng hóa tiêu dùng nhanh…; Ngoài ra, ngân hàng cũng có chương trình SME trade focus: miễn phí chuyển tiền quốc tế, giảm lên đến 50% phí mở L/C, nhờ thu;…
Với nền tảng quản trị rủi ro vững chắc, hiện đại, phát triển an toàn, minh bạch và hiệu quả, OCB liên tục được các định chế tài chính lớn trên thế giới tin tưởng và đồng hành trong thời gian vừa qua.
Nguồn : VnEconomy