Nỗ lực làm cuộc cách mạng về hạ tầng, Thanh Hóa chuẩn bị “sân khấu lớn” để nhà đầu tư “diễn”

by quoc_vu
35 views

Từ một nền kinh tế nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết, không khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có thì nay Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc, vươn lên trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc…

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để trở thành một tỉnh kiểu mẫu, tạo nên những chuyển biến mang tính bước ngoặt đòi hỏi lãnh đạo tỉnh phải có những quyết sách đột phá. Thanh Hóa đang chuẩn bị sân khấu lớn để các nhà đầu tư tạo nên những tác phẩm để đời.

KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN NÀO TỤT LẠI PHÍA SAU

Tại cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp xuân Quý Mão, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, đã thông tin về những kết quả nổi bật của kinh tế tỉnh nhà. Năm 2022 vừa qua, Thanh Hóa thu ngân sách đạt 51.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,8%, quy mô nền kinh tế xấp xỉ 250.000 tỷ đồng. Đây đều là những con số ấn tượng, nằm trong TOP 10 tỉnh thành dẫn đầu cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn.

Bên cạnh những con số ấn tượng về phát triển kinh tế, Thanh Hóa đang thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội lớn, với mục tiêu không để người dân nào tụt lại phía sau. Trong đó, tiêu biểu nhất là kế hoạch đưa người dân vạn chài nhiều đời sống lênh đênh trên sông nước lên bờ định cư, an cư lạc nghiệp.

Qua rà soát, đến nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 353 hộ dân sinh sống trên sông, trong đó, huyện Thọ Xuân có 81 hộ, Thiệu Hóa 54 hộ, Cẩm Thủy 1 hộ, Vĩnh Lộc 4 hộ, Thạch Thành 5 hộ, Yên Định 84 hộ và TP Thanh Hóa 124 hộ.

Chủ trương đưa người dân sống trên sông lên bờ được tỉnh Thanh Hóa triển khai bài bản, quyết liệt, đồng bộ với mục đích đưa tất cả các hộ dân sống trên sông lên bờ. “Việc đưa người dân sống trên sông lên bờ an cư, ổn định cuộc sống là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống lá lành đùm lá rách, không một ai bị bỏ lại phía sau”, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định.

Các hộ dân vạn chài sống lênh đênh trên sông Mã.
Các hộ dân vạn chài sống lênh đênh trên sông Mã.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, tất cả các hộ dân vạn chài sống lênh đênh sông nước sẽ được hỗ trợ định cư lâu dài trên bờ. Bên cạnh đó, Thanh Hóa rất quan tâm việc người dân sau khi lên bờ có công ăn việc làm ổn định, bền vững. Vì vậy lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các huyện rà soát những hộ có người trong độ tuổi lao động để phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện cho họ được làm việc trong các doanh nghiệp, rà soát trình độ văn hóa nhằm bổ cập kiến thức để người dân biết phương thức làm ăn, áp dụng được khoa học – kỹ thuật trong sản xuất – kinh doanh để có sinh kế lâu dài.

Song song với chương trình đưa dân vạn chài lên bờ, Thanh Hóa đang quyết liệt triển khai kế hoạch xây dựng các bản làng định cư mới cho hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao.

Trăn trở trước đời sống còn vô vàn khó khăn, khắc nghiệt của đồng bào các dân tộc miền thượng du, để công tác an cư cho người dân khu vực miền núi được quan tâm, huy động tối đa nguồn lực, triển khai đồng bộ, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Bám sát nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT đã khẩn trương phối hợp với 11 huyện miền núi và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình thực tế tại từng thôn, bản trên địa bàn các xã có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tổng hợp, xây dựng các phương án bố trí các hộ dân tại từng thôn, bản phù hợp với các hình thức: Tái định cư xen ghép, tái định cư liền kề, tái định cư tập trung.

Một góc bản tái định cư tập trung Sa Ná
Một góc bản tái định cư tập trung Sa Ná

Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết đến nay, Thanh Hóa đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng để thực hiện tái định cư cho đồng bào các dân tộc miền núi an cư, tránh nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa thực hiện kế hoạch sắp xếp ổn định cho 2.828 hộ dân tại 54 xã, trong đó có 1.118 hộ tái định cư xen ghép, 832 hộ tái định cư liền kề, 878 hộ tái định cư tập trung. Hiện nay, đã thực hiện cho 151 hộ tái định cư tập trung khẩn cấp và đã trình HĐND tỉnh 389 hộ tái định cư tập trung và liền kề. Đối với các hộ tái định xen ghép, các địa phương cũng đang khẩn trương để vận động các hộ dân chủ động di dời sớm. Dự kiến Thanh Hóa sẽ hỗ trợ hơn 500 tỷ từ nhiều nguồn cho kế hoạch này. Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, với quyết tâm không để bi kịch Sa Ná thứ 2 xảy ra, cả hệ thống chính trị địa phương đang vào cuộc để sớm giúp người dân an cư, kết hợp với xây dựng sinh kế lâu dài cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Thanh.

CHUẨN BỊ SÂN KHẤU LỚN ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ TẠO NÊN NHỮNG TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI

Cũng tại cuộc gặp gỡ trên, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết địa phương đang nỗ lực làm “cuộc cách mạng” về hạ tầng tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Thanh Hóa đã và đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị “sân khấu lớn” để các nhà đầu tư tạo nên những “tác phẩm để đời”.

Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng
Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết để có được quả ngọt của khu kinh tế Nghi Sơn hôm nay, đó là cả quá trình chuẩn bị suốt nửa thế kỷ của nhiều thế hệ lãnh đạo trung ương và địa phương. Từ năm 1972, khi cố Tổng bí thư Đỗ Mười còn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ý tưởng về khu kinh tế tại khu vực Nam Thanh Bắc Nghệ đã được phôi thai. Cho đến năm 1997, Bộ Chính Trị đã có chủ trương về xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn. Đến nay, chỉ riêng Khu liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Thanh Hóa 22.000 tỷ đồng. Trong đó, 16.000 tỷ đồng thu từ thuế xuất nhập khẩu dầu thô và xấp xỉ 6.000 tỷ đồng thu từ các sắc thuế nội địa khác. Thành quả của Nghi Sơn tạo tiền đề vững chắc để Thanh Hóa vững vàng trong hành trình vươn lên trở thành một cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc Tổ quốc.

Từ một nền kinh tế nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết, không khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có thì nay Thanh Hóa đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực 16 tỉnh thành miền Trung. Chính vì thế, việc làm cuộc cách mạng về hạ tầng tại khu kinh tế Nghi Sơn là bước đi đột phá để chuẩn bị cho bước phát triển mới của tỉnh Thanh.

Một góc thành phố Thanh Hóa
Một góc thành phố Thanh Hóa

Việc giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, Khu công nghiệp số 20 có tổng diện tích 604 ha, Khu công nghiệp số 21 có tổng diện tích 395 ha, là các khu công nghiệp tập trung đa ngành gồm: Công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, tổng kho đông lạnh…

Khu công nghiệp số 6 có tổng diện tích 549 ha, có tính chất quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển, thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn theo điều chỉnh quy hoạch.

Các khu công nghiệp trên có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Hiện nay vị trí của 3 khu công nghiệp này được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư. Vì thế, việc tạo mặt bằng sạch hứa hẹn sẽ là nơi các “đại bàng” tìm đến “xây tổ”.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng khẳng định: “Việc Thanh Hóa có được các cơ chế, chính sách “đặc thù” mới chỉ là kết quả của những nỗ lực ban đầu để chúng ta tạo đột phá trong thu hút, huy động và phân bổ các nguồn lực phù hợp và có hiệu quả hơn trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, về bản chất, việc có được cơ chế “đặc thù” vẫn là sự “xin – cho” về cơ chế và nếu vẫn tiếp tục theo cách tiếp cận cũ thì hiệu quả rất hạn chế và có giới hạn. Điều quan trọng là cần phải biến các cơ chế, chính sách “đặc thù” thành các cơ chế, chính sách “vượt trội”, trước hết là trong xây dựng môi trường thể chế và quản trị địa phương – tức là tạo ra sự khác biệt và lợi thế nhờ đạt tới một “đẳng cấp” trong phát triển cao hơn”.

Là tỉnh có dân số đứng thứ ba, diện tích đứng thứ năm cả nước, Thanh Hóa có lợi thế về quy mô nhưng thật sự chưa phải là lúc nào, ở đâu cũng là nơi để “đất lành chim đậu”. Thanh Hóa cần khắc phục được tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”, “trên trải thảm, dưới rải đinh” trong thu hút đầu tư, mặc dù chúng ta đã cải thiện được rất nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp trao đổi vẫn còn rất khó khăn.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nếu lãnh đạo tỉnh có quyết tâm lớn đến mấy mà một bộ phận cán bộ tham mưu, giúp việc không chịu thay đổi, vẫn sách nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực thì không thể hiện thực hóa được quyết tâm của lãnh đạo cấp trên. UBND tỉnh và chính quyền các địa phương cần phải đồng hành với doanh nghiệp, nhất là trong trao đổi về những phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng hạ tầng, tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút đầu tư. Tư duy mới cần đi kèm với cách làm mới và đồng bộ để “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, với phương châm “Trung ương mở đường, Địa phương thúc đẩy, Doanh nghiệp đồng hành, Người dân tham gia” để xây dựng một môi trường thật sự thuận lợi cho phát triển.

Thanh Hóa dự kiến sẽ đầu tư 11.000 tỷ đồng để làm cuộc cách mạng về hạ tầng tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo “sân khấu lớn” để các nhà đầu tư tạo nên những “tác phẩm để đời”.

Nguồn : VnEconomy

You may also like