Hòa Bình chấm dứt hoạt động nhiều dự án vì bị doanh nghiệp “ngâm” quá lâu

by quoc_vu
21 views

UBND tỉnh Hòa Bình vừa ra thông báo chấm dứt hoạt động nhiều dự án vì chậm triển khai, cá biệt có dự án qua hơn 1 thập kỷ vẫn chưa thể đưa vào hoạt động…

Nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực rà soát, chấm dứt các dự án đã treo quá lâu (ảnh minh họa)

Theo thông tin mới nhất từ UBND tỉnh Hòa Bình ngày 26/12, địa phương này vừa đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá sét Phú Lai – Đoàn Kết, huyện Yên Thủy do Công ty Cổ phần Xi măng X18 là nhà đầu tư.

Dự án do Công ty Cổ phần Xi măng X18 là chủ đầu tư, được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác đá sét làm nguyên liệu xi măng cho Công ty Cổ phần X18; Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và Quyết định phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án đã được Sở Xây dựng Hòa Bình thẩm định thiết kế cơ sở, Sở Công thương Hòa Bình thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa cung cấp tài liệu kiểm chứng. 

Ngày 11/11/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện dự án. Tại thời điểm kiểm tra, nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, đồng thời doanh nghiệp này chưa ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Tại vị trí thực hiện dự án chỉ có các hộ gia đình, cá nhân đang trồng cây keo. Theo đó, nhà đầu tư đã chậm đưa dự án vào hoạt động khoảng 12 năm.

Đối chiếu với các quy định hiện hành, UBND tỉnh Hòa Bình đã đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án mỏ đá, sét của Công ty Cổ phần Xi măng X18.

Cũng trong ngày 26/12, còn có 2 dự án khác cũng bị UBND tỉnh Hòa Bình ra thông báo thu hồi chủ trương đầu tư do chậm tiến độ và không thực hiện đúng các cam kết với địa phương này.

Đó là dự án Nhà máy Sản xuất cơ kim khí tại thôn Tân Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty TNHH Cơ kim khí Việt Mỹ Hòa Bình là chủ đầu tư. Theo chủ trương đầu tư được duyệt, thời hạn hoàn thành đầu tư và đưa dự án đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2017.

Tại thời điểm kiểm tra ngày 25/10/2022 dự án đã chậm tiến độ 5 năm, doanh nghiệp cũng chưa triển khai thực hiện dự án ngoài thực địa, chưa thực hiện nghĩa vụ bảo đảm thực hiện đầu tư (ký quỹ hoặc có bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ), chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng (chưa được giao đất, cấp phép xây dựng) với lý do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện trạng vị trí thực hiện dự án vẫn còn 3 hộ dân đang sinh sống.

Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình chưa nhận được đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nêu trên, căn cứ quy định hiện hành, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra thông báo đồng ý chấm dứt hoạt động của dự án này.

Tương tự, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn do Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hùng Thoa là nhà đầu tư cũng bị UBND tỉnh Hòa Bình chấm dứt hoạt động.

Tại thời điểm kiểm tra ngày 21/7/2022 thì dự án này đã chậm tiến độ 4 năm. Tổng diện tích đất mà dự án được được giao khá lớn, lên tới 2.556,4m2/3.000m2.

Tuy nhiên, sau 4 năm doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện dự án ngoài thực địa, chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, xây dựng (chưa được giao đất đủ theo diện tích được duyệt và cấp phép xây dựng).

Khu vực dự án được UBND tỉnh quy hoạch là đất ở (Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 14/9/2017 về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn đến năm 2025, tầm nhìn 2035).

Do vậy, Nhà đầu tư không được tiếp tục sử dụng địa điểm và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư (thời điểm Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 14/9/2017 có hiệu lực).

Thời gian qua trên cả nước còn tồn tại rất nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài. Thực tế này đã phát sinh những hệ lụy, trở thành rào cản, điểm nghẽn cho phát triển kinh tế của các địa phương. Gần đây, nhiều địa phương đã có hàng loạt động thái mạnh tay, nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Không khó để tìm ra những dự án dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài nhiều năm ở các địa phương hiện nay. Những tồn tại trên đang gây lãng phí nguồn lực cho Nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, đồng thời gây bức xúc cho người dân. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, có hàng nghìn dự án giai đoạn 2016 – 2021 chậm tiến độ. Trong đó có nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ có thể do chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng… kéo dài; thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; đặc biệt là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…

Ngày 13.7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành liên quan tới việc triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, các địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh… đã có nhiều động thái mạnh mẽ, cụ thể các địa phương trên đã rà soát, chấm dứt hàng chục dự án đã bị doanh nghiệp “ngâm” quá lâu dẫn tới lãng phí đất đai, ảnh hưởng tới người dân.

Nguồn : VnEconomy

You may also like