GS. Đào Nguyên Cát – trọn cuộc đời dành cho báo chí cách mạng Việt Nam

by quoc_vu
112 views

GS. Đào Nguyên Cát đã rời chúng ta ra đi về cõi Vĩnh Hằng…

GS. Đào Nguyên Cát – trọn cuộc đời dành cho báo chí Cách mạng Việt Nam.

Với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông không những là người khai sinh mà sau này còn là chỗ dựa tinh thần cho những người làm báo trẻ ở Thời báo Kinh tế Việt Nam. Nhiều nhà báo trân trọng gọi ông là “cây đại thụ trong làng báo chí cách mạng Việt Nam”.

Ngẫm lại cuộc đời 97 năm của cây đại thụ ấy mới thấy rằng nghề báo như là một định mệnh của GS. Đào Nguyên Cát. Ngay những ngày đầu tham gia cách mạng, tham gia Tổng khởi nghĩa, ông đã gắn với nghề tuyên huấn, báo chí và năm 1947 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông dương.

Năm 1951, ông cùng một số cán bộ khác được cử đi học lý luận cách mạng ở Trung Quốc và Liên Xô và trở thành lớp cán bộ đầu tiên học chương trình này. Học xong, ông về nước và công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương.

Đến năm 1964, ông được giao làm Tổng biên tập Tạp chí Tuyên huấn. Ông viết bài, biên soạn tài liệu và làm giảng viên kinh tế chính trị và một số công tác khác của Vụ Huấn học. Khi Tạp chí Tuyên huấn sáp nhập vào Tạp chí Cộng sản, ông được phân công làm Tổng biên tập Nhà xuất bản sách giáo khoa Mác-Lênin.

Nhưng dấu ấn đặc biệt nhất trong cuộc đời làm báo của ông lại bắt đầu ở tuổi nghỉ hưu, năm 1992. Đó là lúc ông làm Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam. Ông là người khai sinh ra Thời báo Kinh tế Việt Nam, thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.  

GS. Đào Nguyên Cát cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2015.
GS. Đào Nguyên Cát cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm 2015.

Sự tài giỏi của ông để mọi người phải kính phục chính là việc ông “tay không bắt giặc”, “không bột vẫn gột nên hồ”. Từ Tổng biên tập “3 không”: “không tiền, không tòa soạn, không bộ máy”, thế mà trong gần 30 năm, ông đã cùng các cộng sự Thời báo Kinh tế Việt Nam từng bước xây dựng nên một tổ hợp báo chí – truyền thông lớn mạnh, đưa Thời báo Kinh tế Việt Nam trở thành một tờ báo có thương hiệu nổi tiếng về kinh tế trong nền báo chí cách mạng Việt Nam và lan tỏa cả ra nước ngoài.

Tổ hợp báo chí kinh tế gồm: Thời báo Kinh tế Việt Nam xuất bản hàng ngày bằng tiếng Việt, Vietnam Economic Times xuất bản hàng tháng bằng tiếng Anh, báo điện tử VnEconomy và một loạt ấn phẩm, đặc san, Niên giám kinh tế và thế giới… với sự tham gia của gần 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

Tổ hợp báo chí mang dấu ấn của GS.- Tổng biên tập Đào Nguyên Cát.

GS. Đào Nguyên Cát - trọn cuộc đời dành cho báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 1
GS. Đào Nguyên Cát - trọn cuộc đời dành cho báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 2
GS. Đào Nguyên Cát - trọn cuộc đời dành cho báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 3
GS. Đào Nguyên Cát - trọn cuộc đời dành cho báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 4
GS. Đào Nguyên Cát - trọn cuộc đời dành cho báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 5
 

Cái tài giỏi nữa của ông là việc thời gian đó, ông và các cộng sự đã đưa Thời báo Kinh tế Việt Nam, một trong hai tờ báo đầu tiên của Việt Nam, hợp tác với đối tác nước ngoài trong việc làm báo. Sự việc này đánh dấu một bước đổi mới tư duy trong việc thiết kế, trình bày tờ báo ở Việt Nam…

Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của ông, Thời báo Kinh tế Việt Nam còn tổ chức hàng loạt các chương trình Liên hoan vinh danh thường niên như: Rồng Vàng (Golden Dragon Awards), Thương hiệu mạnh Việt Nam, Du lịch (The Guide Awards), Tin dùng Việt Nam, tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn… liên quan đến các vấn đề kinh tế, được các lãnh đạo Đảng Nhà nước, các doanh nghiệp tin tưởng, khen ngợi.

Tất cả những thành công ấy đều mang dấu ấn đậm nét của GS. Đào Nguyên Cát, người Tổng biên tập duy nhất cho đến khi Thời báo Kinh tế Việt Nam chính thức bước sang chặng đường mới với tên: Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

 
GS. Đào Nguyên Cát, nguyên Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam
GS. Đào Nguyên Cát, nguyên Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam

“Hạnh phúc nhất của đời người là cống hiến hết mình và hữu ích cho xã hội và gia đình. Còn gì sung sướng hơn khi ở thời “lão giả an chi” mà tôi vẫn đủ tâm trí và sức lực, đủ nhiệt huyết và tấm lòng để liên tục cống hiến cho đời bằng công việc làm báo. Vào lúc mà đáng lẽ ra được con cháu và những người yêu thương chăm sóc, được xã hội quan tâm, giúp đỡ thì tôi vẫn còn phụng sự được cho Đất nước, cho sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng, cho sự chấn hưng nền kinh tế nước nhà. Và chính vì thế, tôi thấy mình có ích hơn cho xã hội”.

Suốt hơn 70 năm cống hiến cho sự nghiệp tuyên huấn – báo chí, trái tim của GS. Đào Nguyên Cát đã ngừng đập ở tuổi 97, kết thúc một hành trình đầy nhiệt huyết và không ít thăng trầm.

Lúc sinh thời, GS. Đào Nguyên Cát từng chia sẻ với các đồng nghiệp ở Thời báo Kinh tế Việt Nam: “Hạnh phúc nhất của đời người là cống hiến hết mình và hữu ích cho xã hội và gia đình. Còn gì sung sướng hơn khi ở thời “lão giả an chi” mà tôi vẫn đủ tâm trí và sức lực, đủ nhiệt huyết và tấm lòng để liên tục cống hiến cho đời bằng công việc làm báo. Vào lúc mà đáng lẽ ra được con cháu và những người yêu thương chăm sóc, được xã hội quan tâm, giúp đỡ thì tôi vẫn còn phụng sự được cho Đất nước, cho sự nghiệp báo chí Cách mạng của Đảng, cho sự chấn hưng nền kinh tế nước nhà. Và chính vì thế, tôi thấy mình có ích hơn cho xã hội”.

Các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Thời báo Kinh tế Việt Nam, bạn đọc của Thời báo Kinh tế Việt Nam trước đây và bây giờ là Tạp chí Kinh tế Việt Nam, sẽ luôn nhớ tới GS. Đào Nguyên Cát. Ông luôn là nguồn cảm hứng, người giữ lửa và truyền lửa nhiệt huyết trên những hành trình tiếp theo của các thế hệ những người làm báo Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Xin vĩnh biệt GS. Đào Nguyên Cát!

 

Chương trình Lễ tang GS. Đào Nguyên Cát, nguyên Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Lễ viếng tổ chức vào hồi: 7h15 – 8h30, ngày 12 tháng 10 năm 2023 (tức ngày 28 tháng 8 năm Quý Mão).

Lễ truy điệu và di quan vào hồi: 8h30 – 8h45 cùng ngày.

Tại: Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, P. Bạch Đằng, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Lễ an táng: Hỏa táng và an táng tại Công viên Vĩnh Hằng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

Nguồn : VnEconomy

You may also like