Những điểm nóng du lịch châu Á hiện ‘vắng như chùa bà Đanh’ và những người làm trong ngành này như ngồi trên đống lửa khi virus tiếp tục lây lan trong khu vực.
Chuỗi hình ảnh dưới đây cho thấy các địa điểm du lịch nổi tiếng tại châu Á – Thái Bình Dương trước và sau đại dịch Covid-19.
Angkor Wat xuất hiện trong ánh bình minh – lần đầu tiên, không có khách du lịch nào chen lấn trên bậc thang để chụp cảnh tượng mặt trời mọc nổi tiếng tại Campuchia.
Hầu hết các địa điểm ‘hút’ Instagram trong khu vực – đền thờ, phố đi bộ, phố mua sắm, bảo tàng hay lăng tẩm đều đang gánh chịu hậu quả của đại dịch Covid-19. Khách tham quan ‘bốc hơi’ tại những nơi như đền Sensoji, Tokyo; Bến Thượng Hải; núi Thái Bình, Hong Kong cũng như đường đi bộ dọc theo Cảng Sydney.
Du khách Trung Quốc dần ít đi – quốc gia có lượng khách du lịch đóng góp lớn cho nền kinh tế du lịch châu Á trong những năm gần đây dù chỉ 10% dân số nước này có hộ chiếu.
Khu đền Angkor Wat, tuyệt tác công trình kiến trúc Khmer từ thế kỷ XII với bức họa, phù điêu độc đáo thu hút hàng triều người mỗi năm, lần đầu tiên chứng kiến lượng khách tham quan ít nhất vào mùa cao điểm.
Hướng dẫn viên Campuchia, Hor Sophea đã không có tour nào từ cuối tháng 1. Vài tuần sau, thu nhập của ông càng co lại.
“Tôi chưa bao giờ thấy ít khách du lịch đến thế”, người đàn ông 36 tuổi nói, chỉ vào các con đường lớn dẫn đến khu đền, nơi đám đông từng chen chúc nhau để chup đươc bức ảnh tự sướng. “Tôi rất lo lắng…Chúng tôi không biết mình trụ lại trong hoàn cảnh này được bao lâu”.




Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tuyên bố giảm thuế cho khách sạn, cơ sở lưu trú trong 4 tháng để bù lỗ. Nhưng phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Campuchia vào ngày 7/3 có khả năng củng cố thêm tâm lý “ở nhà mùa dịch” của nhiều du khách.
Tác động kinh tế phủ bóng châu Á
Bến tàu từng nhộn nhịp hành khách Trung Quốc tại Bali, giờ chỉ còn là bãi thả neo thuyền trống; trong khi Tokyo và Hàn Quốc đang chứng kiến sự sụt giảm từ thị trường hơn một tỷ dân – khiến các nhà hàng trong khu vực du lịch không khỏi lao đao.



Tại chợ cá Tsukiji, một số nhà hàng giờ lấy ít hơn 70% số lượng nguyên liệu thông thường.
“Người Trung Quốc ngừng đến đây trong dịp Tết Nguyên Đán, đường phố, cửa hàng quanh đây gần như trống không”, Hiroshi Oya, 61 tuổi, đầu bếp tại cửa hàng hải sản Nhật Bản cho biết.
“Sau đó người Hàn Quốc cũng ngừng đến luôn. Cửa hàng cá ngừ cạnh chúng tôi đã phải đóng cửa tạm thời để cắt giảm chi phí hoạt động”, ông nói thêm.



Trong thời điểm người dân toàn cầu đang hạn chế đi lại và kiểm dịch chặt chẽ, khách du lịch lại được hưởng đặc quyền hiếm có khi ghé thăm danh lam thắng cảnh với không bóng người.
Tại khu đền Angkor, ngay cả Ta Prohm – nơi quay bộ phim nổi tiếng ‘Tomb Raider’ – chỉ còn vài khách du lịch tham quan mỗi ngày.
“Có lẽ do Covid-19 nên chúng tôi may mắn không phải chen chúc nhiều”, Andres Medenis, du khách người Úc ghé thăm cảnh tượng bình minh tại đây cho biết. “Nhưng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này… tôi lấy làm tiếc cho người dân địa phương.”

