Doanh nghiệp chống chọi với “bão giá” nguyên liệu đầu vào

by quoc_vu
10 views

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 tương đối thuận lợi, song thực tế biến động tăng của giá nhiên liệu, nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu khan hiếm đang khiến nhiều ngành hàng sản xuất, chế tạo, chế biến gặp nhiều khó khăn…

Trong lĩnh vực sản xuất, khi giá xăng tăng sẽ kéo theo chi phí logistics, nguyên phụ liệu và vận hành nhà máy… đều tăng thêm, khiến doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong mục tiêu kích cầu nội địa để phục hồi. Bên cạnh đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, áp lực về việc tăng giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào trong khi sức mua của thị trường còn yếu, hiện đang đẩy các doanh nghiệp vào cảnh chật vật để xoay sở.

NGUYÊN VẬT LIỆU ĐỒNG LOẠT “ĐỘI GIÁ”

Chịu ảnh hưởng dễ thấy nhất là các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành chế biến thực phẩm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM, cho biết sức mua nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang giảm, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá bán, do giá đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là các nguyên liệu nhập khẩu. Không những thế, các doanh nghiệp cho rằng giá thực phẩm thời gian tới còn tăng cao do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ, không tái đàn, thiếu nguồn cung khiến giá tăng lên.

Theo ông Trương Chí Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, khoảng 2 tuần trở lại đây giá nguyên liệu đầu vào đã tăng hơn 40%. Phần lớn đơn vị cung cấp nguyên liệu đều lấy lý do giá xăng dầu tăng buộc họ phải tăng giá bán. Tương tự, bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Thanh Hà, cho biết từ đầu năm đến nay, giá nguyên vật liệu tăng chóng mặt. Chưa bao giờ trong lịch sử có mức tăng mấy trăm phần trăm như vậy. Hiện, doanh nghiệp đã phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm khoảng 12 – 15%.

Trong lĩnh vực cơ khí – chế tạo, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, cho hay giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá nguyên vật liệu trong thời gian tới từ 15 – 20% tùy chủng loại sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp rất khó có thể tăng giá các sản phẩm ra thị trường ở mức tương ứng. Theo ông Kết, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động trong điều tiết dòng tiền, dự trữ lượng hàng sản xuất tồn kho nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi quy mô doanh nghiệp nhỏ, nguồn tài chính hạn chế.

Việc giá nguyên liệu tăng cùng tình trạng hàng hóa nhập khẩu về chậm gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Việc giá nguyên liệu tăng cùng tình trạng hàng hóa nhập khẩu về chậm gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị điện cho các dự án trong nước và xuất khẩu, thời gian qua Công ty Cát Vạn Lợi như “ngồi trên lửa” vì một số nguyên vật liệu nhập khẩu đội giá quá cao. Cụ thể, một số nguyên liệu đã tăng giá “khủng khiếp” như inox đã tăng tới 10 lần, kẽm, nhôm… cũng tăng giá gấp đôi. Ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi, cho biết dù đã chủ động đến 80% nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp này vẫn phải nhập khẩu một số kim loại từ Trung Quốc nên việc tăng giá nguyên vật liệu này vẫn ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.

 
“Bài toán thay đổi về “chất” (công nghệ mới, quản trị hiện đại) sẽ giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay”.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM .

Đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho thấy những dấu hiệu không mấy tích cực về nguồn cung nguyên phụ liệu do tác động của thị trường thế giới. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex, cho hay giá bông tăng khoảng 19,1% so với hồi đầu năm. Chưa kể, giá các mặt hàng xơ sợi nhân tạo khác cũng tăng cao do giá nguyên liệu đầu vào từ hóa dầu cũng tăng chóng mặt. “Việc giá nguyên liệu tăng cùng tình trạng hàng hóa nhập khẩu về chậm, các chi phí vận chuyển khác như logistics tăng cao gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp,” ông Cao Hữu Hiếu nói.

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã tối ưu hóa chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vifon, cho biết, công ty đang triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu vào, đồng thời tăng năng suất lao động để bù đắp một phần giá nguyên vật liệu tăng. Còn ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho hay, hiện doanh nghiệp đang tăng cường kiểm soát tất cả các khâu sản xuất để tiết giảm tối đa các khoản chi phí, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế nhằm giảm giá thành sản xuất.

GỠ NÚT THẮT ĐỂ DOANH NGHIỆP “KHỎE” HƠN

Một trong những vấn đề được thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2022 vừa qua thu hút sự quan tâm của toàn xã hội là giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng dầu tăng cao… tạo áp lực đối với nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân. Mặc dù các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc, tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, vấn đề này đang là nút thắt lớn. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng cần có nhiều hơn các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại thị trường trong nước, để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu.

Tại buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP.HCM mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cho rằng, để bù đắp chi phí sản xuất, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ. Song song, doanh nghiệp cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao; ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Bài toán thay đổi về “chất” (công nghệ mới, quản trị hiện đại) sẽ giúp doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn, trong đó có vấn đề chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.

Doanh nghiệp cần tăng cường tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt để có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng.
Doanh nghiệp cần tăng cường tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt để có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng.

Đồng tình với nhận định trên, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp cần phải hợp lý hóa sản xuất, thay đổi quy trình, công nghệ, đặc biệt là công nghệ ít thâm dụng năng lượng. Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bộ Công Thương, cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Điều này vừa giúp tăng nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp lại vừa có thể giảm thiểu những rủi ro phụ thuộc một thị trường cung ứng hoặc đứt gãy nguồn cung, gây gián đoạn sản xuất.

Khẳng định sẽ tích cực hỗ trợ các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trong kết nối cung – cầu nguyên phụ liệu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã chỉ đạo các Thương vụ tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất, xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép… Đồng thời nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử…

Trong dài hạn, Bộ Công Thương đang tìm giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai…

Nguồn : VnEconomy

You may also like