Để đi xa cần chuẩn hóa và ‘chơi’ đúng luật

by HDgroup
0 views

Trong dòng chảy hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam không chỉ đứng trước những cơ hội vàng mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Từ những rào cản kỹ thuật khắt khe tại các thị trường quốc tế đến xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều quốc gia, bài toán đặt ra là: Làm thế nào để hàng Việt đặc biệt là nông, lâm, thủy sản có thể vững vàng vươn xa?

Chìa khóa cho nông sản Việt: Chuẩn hóa, liên kết và công nghệ

Theo chuyên gia Huỳnh Thị Mỹ Nương, nông, lâm, thuỷ sản không chỉ đóng vai trò là trụ cột xuất khẩu của nền kinh tế, mà còn là một phần quan trọng trong hình ảnh thương hiệu quốc gia. Để những ngành hàng này giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần bắt đầu từ những nền tảng cốt lõi, mang tính chiến lược và lâu dài.

Trước hết, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng là điều kiện tiên quyết. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, HACCP, ISO hay các yêu cầu riêng biệt của từng thị trường là “tấm vé thông hành” để hàng Việt bước vào sân chơi toàn cầu. Thực tế cho thấy, các sản phẩm nông sản đạt chuẩn GlobalGAP như cà phê, hạt điều, xoài và gạo đã ghi dấu ấn tích cực tại nhiều thị trường châu Âu.

Chuyên gia Kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo Lãnh đạo và Dịch vụ Phát triển Bền vững.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU tăng trung bình 15% mỗi năm trong 4 năm qua, đặc biệt với những mặt hàng đã được chứng nhận chất lượng quốc tế.

Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản và đóng gói hiện đại để giữ vững chất lượng và kéo dài vòng đời sản phẩm trong chuỗi cung ứng quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay chỉ một phần nhỏ diện tích vùng trồng nông sản đạt chuẩn GlobalGAP, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu. Đây chính là điểm nghẽn cần được thao gỡ bằng các chương trình chuyển đổi số nông nghiệp và hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ canh tác bền vững.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, trong đó mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp chế biến, nhà phân phối và thị trường tiêu thụ được xem là nhân tố then chốt. Một hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, có trách nhiệm, minh bạch và định hướng thương hiệu sẽ là bệ đỡ cho giá trị gia tăng lâu dài.

Ứng dụng công nghệ và sản xuất xanh cũng là xu thế không thể đảo ngược. Việc áp dụng công nghệ cao không chỉ giúp gia tăng năng suất mà còn tiết kiệm tài nguyên và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khát khe về môi trường, an toàn và tính bền vững những tiêu chí đang được người tiêu dùng toàn cầu đặc biệt quan tâm.

Để hiện thực hóa những chuyển đổi này, nguồn nhân lực đóng vai trò cốt lõi. Một ngành hàng mạnh cần có lực lượng lao động lành nghề, năng động và sáng tạo. Do đó, việc đào tạo kỹ thuật canh tác hiện đại, nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, đồng thời thu hút lớp nhân sự trẻ có chuyên môn về nông nghiệp là chiến lược lâu dài cần được đầu tư đúng mức.

Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản và đóng gói hiện đại để giữ vững chất lượng và kéo dài vòng đời sản phẩm trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Cùng với đó, việc nâng cấp hệ thống hạ tầng và logistics là điều kiện quan trọng để giảm chi phí vận chuyển, nâng cao tốc độ tiếp cận thị trường. Từ đường giao thông, cảng biển đến hệ thống kho lạnh và dịch vụ logistics chuyên biệt tất cả đều là những “huyết mạch” giúp nông sản Việt đi nhanh hơn, xa hơn và giữ được chất lượng tốt hơn.

Cuối cùng, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu quốc gia chính là bước đi mang tính chiến lược. Sau 4 năm thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã đạt gần 170 tỷ USD, trong đó nông sản là nhóm hàng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu. Việc hình thành các thương hiệu quốc gia uy tín cho từng nhóm ngành hàng không chỉ giúp nâng tầm giá trị, mà còn định vị hình ảnh hàng Việt trong tâm trí người tiêu dùng quốc tế.

Chơi theo luật và định hình luật chơi

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương cho hay, để cơ chế PVTM thực sự phát huy vai trò như một “tấm khiên chủ động”, Việt Nam cần đầu tư bài bản vào cả hệ thống chính sách, năng lực điều tra và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.

Trước tiên, cần củng cố hành lang pháp lý một cách toàn diện. Việc rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định về PVTM phải được thực hiện đồng bộ, bám sát thông lệ quốc tế và phù hợp với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nhưng luật thôi là chưa đủ điều quan trọng hơn là xây dựng được đội ngũ cán bộ pháp lý, chuyên gia và điều tra viên có kiến thức chuyên sâu, có thể theo kịp tốc độ và độ phức tạp của các vụ việc thương mại quốc tế

Một cơ quan điều tra mạnh, độc lập và đủ nguồn lực cũng là điều không thể thiếu. Cơ quan này cần được trang bị công cụ kỹ thuật hiện đại, kho dữ liệu chuyên sâu và cơ chế phối hợp hiệu quả với các cơ quan trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo quá trình điều tra được diễn ra khách quan, minh bạch và đúng quy trình.

Trước làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng lan rộng, việc xây dựng cơ chế phòng vệ thương mại (PVTM) không còn là một lựa chọn mang tính đề phòng.

Với cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có một hệ thống hỗ trợ thiết thực và kịp thời. Từ việc cung cấp thông tin, cảnh báo sớm, tư vấn pháp lý đến hỗ trợ tài chính khi tham gia các vụ kiện quốc tế, tất cả đều cần một cơ chế linh hoạt, dễ tiếp cận và mang tính đồng hành. Việc thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện PVTM cũng nên được xem xét một cách nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp PVTM cũng cần được cân nhắc thận trọng. Đây không phải là công cụ để dựng rào cản, mà là một giải pháp cân bằng, giúp điều chỉnh thương mại theo hướng công bằng, hợp lý. Mỗi quyết định đều cần đặt trong tổng thể tác động đến người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước và các ngành liên quan khác.

Nhìn rộng ra cấp độ vĩ mô, bà Huỳnh Thị Mỹ Nương cho rằng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội cũng là một đòi hỏi để thực hiện cải cách toàn diện trong chính sách thương mại và đầu tư nhằm thích nghi với những chuyển động không ngừng của thế giới.

Trước hết là sự đa dạng hóa cả về thị trường lẫn sản phẩm. Phụ thuộc vào một vài thị trường lớn hay nhóm hàng truyền thống sẽ mang lại rủi ro dài hạn. Việt Nam cần mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm thị trường ngách, khai phá nhu cầu mới và đầu tư vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hạ tầng và môi trường kinh doanh cũng là hai “nút thắt” cần được tháo gỡ. Việc cải thiện hệ thống logistics, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn và công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng vững chắc cho năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hội nhập quốc tế, theo bà Nương, cần chuyển từ “tham gia” sang “chủ động dẫn dắt”. Thay vì chỉ ký kết và thực thi FTA, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cam kết, đồng thời chủ động dự báo rủi ro và xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để sẵn sàng thích ứng. Trong các diễn đàn toàn cầu, Việt Nam cũng cần nâng cao vị thế, trở thành tiếng nói tích cực, có trọng lượng trong việc định hình luật chơi thương mại mới.

“Chúng ta không thể kỳ vọng vào một mắt xích riêng lẻ dù đó là người nông dân, doanh nghiệp hay nhà nước. Để hàng Việt vươn xa, cần một chiến lược thống nhất, có chiều sâu và được thực thi một cách đồng lòng” bà Nương chia sẻ.

Việt Nam có đủ tiềm năng, đủ bản lĩnh và đủ vị thế để bước vào những thị trường khó tính nhất. Vấn đề tiếp theo là làm sao để từng bước đi từ chính sách đến hành động đều xuất phát từ sự chủ động, linh hoạt và nhìn xa. Bởi hành trình vươn tầm thế giới không bắt đầu bằng một cú nhảy vọt, mà bắt đầu từ hôm nay bằng những bước đi kiên định, bền bỉ và có tầm nhìn.

Nguồn : https://vietnamfinance.vn/nong-san-viet-de-di-xa-can-chuan-hoa-va-choi-dung-luat-d125362.html.

You may also like