27 địa phương đề nghị trả lại vốn vay lại

by quoc_vu
18 views

Do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư dự án, 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vốn vay lại với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng…

Đến hết 31/10/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 430.600 tỷ đồng – Ảnh minh họa

Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), đến hết tháng 8 năm 2023 có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.565 tỷ đồng.

Các địa phương trả lại vốn vay gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TP.HCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.

Nguyên nhân đề nghị giảm kế hoạch vốn vay lại là do nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư như chưa ký hiệp định vay, hiệp định chưa có hiệu lực hoặc đang điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, các dự án gặp vướng mắc như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… nên không giải ngân được hết kế hoạch vốn cũng được nhiều địa phương đề nghị giảm vốn vay lại. Trong đó, các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư là chủ yếu với số tiền được đề nghị giảm vốn cao nhất.

Ở chiều ngược lại, có 6 địa phương gồm: Bình Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ đề nghị tăng dự toán vay lại với tổng số tiền đề xuất là hơn 349 tỉ đồng. Các tỉnh này thêm vốn do có dự án sẽ hết thời hạn giải ngân trong năm nên cần bổ sung kế hoạch vốn hoặc để phù hợp với tiến độ triển khai dự án.

Theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt năm nay, địa phương vay từ nguồn vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác là 27.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương phải trả nợ gần 5.000 tỷ đồng, trong đó tiền gốc 2.800 tỷ đồng và tiền lãi gần 2.200 tỷ đồng.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung, Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10 đạt hơn 430.600 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm 2023.

Bộ Tài chính cho biết con số này cũng chỉ đạt 56,84% kế hoạch Chính phủ giao. Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giải ngân được gần 72.500 tỷ đồng, đạt 58,7% kế hoạch. Ngoài ra, giải ngân kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2023 là 28.798 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 53% kế hoạch

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay chỉ tiến triển nhẹ. Cùng kỳ 2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng giao.

Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa cao bởi một số bộ, ngành, địa phương còn giải ngân chậm, do việc giao đất, chuyển đổi đất rừng tại vài dự án còn phức tạp, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc thực hiện các quy định mới về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, hay một số dự án mang tính chất chuyên ngành phải trình duyệt nhiều bước, cũng ảnh hưởng đến tiến độ.

Bộ Tài chính cũng đã đề nghị đến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhanh chóng có những hướng dẫn đối với kiến nghị của đơn vị. Với các vướng mắc liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia, bộ đề nghị các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh – Xã hội và Ủy ban Dân tộc rà soát các vướng mắc giải quyết quyền hoặc sớm trình cấp có thẩm quyền.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính kiến nghị các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên liệu đá, cát phục vụ dự án, khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng.

 

Theo báo cáo vừa được Chính phủ gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, trong năm 2022, chính quyền địa phương vay 19.184 tỷ đồng, giảm 9.453 tỷ đồng so với mức Quốc hội phê duyệt, trong đó vay trong nước 6.363 tỷ đồng, còn lại hơn 12.820 tỷ đồng là vốn vay nước ngoài. Tổng trả nợ năm 2022 là 5.127 tỷ đồng, trong đó 3.309 tỷ đồng là nợ gốc.

Dư nợ của chính quyền địa phương đến cuối năm 2022 là 67.381 tỷ đồng. Còn đối với các khoản vay lại từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ trong năm nay, tính trong sáu tháng đầu năm, các địa phương đã rút vốn vay là 18.395 tỷ đồng.

 

Nguồn : VnEconomy

You may also like