Temu nền tảng thương mại điện tử khổng lồ đến từ Trung Quốc, dù chỉ hoạt động một thời gian ngắn trước khi bị yêu cầu tạm dừng nhưng đã tạo nên một làn sóng mới trên thị trường với mức giá siêu rẻ và sản phẩm đa dạng cùng nhiều khuyến mãi ‘khủng’, Temu đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. Sự xuất hiện của Temu đặt ra nhiều bài học và thách thức cho các doanh nghiệp Việt.
Chiến lược ‘đánh chiếm’ thị trường của Temu
Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới thuộc công ty PDD Holdings của Trung Quốc. Đây cũng là doanh nghiệp sở hữu Pinduoduo – nền tảng mua sắm trực tuyến hiện đang đứng thứ hai tại đất nước có hơn 1,4 tỷ dân. Chính thức ra mắt vào năm 2022, Temu nhanh chóng phát triển và mở rộng ra các thị trường quốc tế như Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Bắt đầu với thị trường Philippines và Malaysia, hiện Temu đã lên kế hoạch đang mở rộng sang thị trường Việt Nam và Brunei.

Giá thấp vốn là cách Pinduoduo thành công ở Trung Quốc và phiên bản quốc tế Temu kế thừa với khẩu hiệu “mua sắm như tỷ phú”. Tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm với giá thấp giúp Temu thu hút người tiêu dùng nhạy cảm với giá – đặc biệt là nhóm từ 18-45 tuổi, thuộc tầng lớp thu nhập thấp và trung bình. Danh mục sản phẩm được bày bán trên Temu cũng vô cùng phong phú như thời trang, đồ gia dụng, công nghệ, đồ chơi, mỹ phẩm – làm đẹp, đồ công nghệ,… Phần lớn sản phẩm được cung cấp bởi các nhà sản xuất tại Trung Quốc, nhờ vào lợi thế sản xuất chi phí thấp, lược bỏ các khâu trung gian, điều này giúp Temu dễ dàng cung cấp mức giá cạnh tranh cho khách hàng. Temu cũng đang áp dụng mô hình mua hàng theo nhóm, tương tự như “mua chung” trên Pinduoduo. Với mô hình này, khi người dùng mời thêm bạn bè tham gia mua hàng, họ có thể nhận được mức giá ưu đãi đặc biệt. Điều này không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí mà còn tăng tính kết nối và trải nghiệm mua sắm độc đáo.
Ngoài ra, sức mạnh công nghệ và mô hình logistics cũng góp phần kéo giảm giá bán và tạo sự hài lòng. Ban đầu, họ bán thăm dò số lượng ít sản phẩm mới. Công nghệ phân tích dữ liệu sẽ nhận diện mặt hàng nhu cầu cao để đặt sản xuất thêm và loại bỏ ngay mẫu không bán chạy. Giải pháp này giúp tối ưu hóa hàng tồn, giảm lãng phí và cung cấp tức thời, đúng xu hướng nhiều loại sản phẩm hơn so với bán lẻ truyền thống. Song song đó, Temu vận hành theo mô hình ký gửi hàng hóa, tức nhà bán đưa sản phẩm vào kho của sàn. Họ sẽ lo mọi thứ từ vận chuyển ra nước ngoài đến hậu mãi, giúp tiết kiệm chi phí phân phối, rút ngắn thời gian vận chuyển và nâng cao trải nghiệm mua sắm.
Theo tạp chí The Conversation (Australia), Temu không chỉ tập trung về giá mà còn phục vụ nhu cầu cảm xúc khách hàng. Họ chào sân Mỹ vào lúc người tiêu dùng đối mặt lạm phát cao. Khi mọi người còn e dè trong chi tiêu mua sắm, trong tháng đầu tiên thâm nhập, Temu chi 200 triệu USD vào quảng cáo. Đồng thời, họ thuê người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) để tiếp thị. Đây là cách tận dụng cảm giác tin tưởng như bạn bè do influencer tạo ra. Các chiến dịch marketing của Temu tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm thú vị và hấp dẫn, từ đó thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.
Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo được tích hợp vào hệ thống, dựa trên lịch sử hành vi người dùng trên ứng dụng để đề xuất các giảm giá cá nhân hóa, đánh đúng nhu cầu. Ứng dụng của Temu được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và mua sắm sản phẩm. Giao diện mua sắm của Temu còn được bổ sung khu vực giảm giá chớp nhoáng (flash sale) tạo ra ảo giác về sự khan hiếm và các gợi ý sản phẩm được cá nhân hóa. Để tăng thêm nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội của người dùng, Temu đưa lên đầu mục “Ưu đãi sẽ kết thúc hôm nay”, dựa trên lịch sử tìm kiếm và mua hàng.
Sức ép mới trên thị trường Việt
Từ cuối tháng 9/2024, Temu đã chính thức hiện diện trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Giá cả hợp lý và các chương trình khuyến mãi là lợi thế cạnh tranh rõ ràng khi Temu vào Việt Nam, thúc đẩy các thông tin về sàn này lan rộng trong thời gian ngắn. Với các ưu đãi khủng và giá cực thấp, nền tảng TMĐT xuyên biên giới đến từ Trung Quốc này lập tức gây sốt tại Việt Nam. Hàng nghìn người tiêu dùng Việt bị cuốn hút bởi giá thành của các sản phẩm, cùng những ưu đãi khuyến mãi cực sốc cho người dùng mới.
Kết quả khảo sát của YouNet ECI và Buzzmetrics vào năm 2023 từng cho thấy, cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì sẽ có khoảng 9 người bị tác động bởi yếu tố giá cả khi mua sắm trực tuyến. Đây là thế mạnh mà Temu có thể khai thác. Bên cạnh đó, giới trẻ và thế hệ Gen Z gần đây đã quen với việc sử dụng hàng nội địa Trung Quốc chất lượng cao, thông qua các nền tảng như Shein, Shopee và TikTok Shop. Điều này sẽ giúp Temu dễ dàng thâm nhập thị trường, bởi người tiêu dùng đã có sự tin tưởng nhất định đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Ngoài ra, dù Temu vào Việt Nam muộn hơn so với các nền tảng khác, nhưng lại có thể tận dụng thói quen mua sắm đa nền tảng của người tiêu dùng Việt đã được thiết lập nhờ các sàn đi trước. Chính những điều này đã biến Temu thành “cơn sốt” và thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam có thể khiến lực lượng nhà bán hàng không chính hãng (online sellers) hiện đang nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh. Nhóm người bán này sẽ đối mặt thách thức về giá cả và nguồn cung nếu Temu vẫn giữ chiến lược duy trì tỷ trọng lớn các mặt hàng xuyên quốc gia từ Trung Quốc. Hiện số lượng nhà bán hàng không chính hãng và chính thức đang chiếm tới 95% số lượng nhà bán kinh doanh trên các sàn tại Việt Nam (theo dữ liệu từ YouNet ECI) nên tác động này dự kiến sẽ khá rộng. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm nội địa Trung Quốc trên thị trường Việt Nam chủ yếu nằm ở các ngành hàng thời trang và mỹ phẩm. Với sự mở rộng danh mục sản phẩm của Temu, thì những thương hiệu giá trung đến thấp tại Việt Nam sẽ cảm nhận sức ép trong cả các ngành hàng khác ngoài thời trang và mỹ phẩm.
Tuy nhiên, việc Temu vào Việt Nam cũng có thể mang đến tác động tích cực như có thể thúc đẩy tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử như cách TikTok Shop đã làm. Khi TikTok Shop gia nhập, không chỉ riêng nền tảng này mà cả thị trường thương mại điện tử đã cùng tăng trưởng nhờ xu hướng shoppertainment (giải trí kết hợp mua sắm) mà TikTok Shop tích cực đẩy mạnh. Shoppertainment đến nay đã giúp mang đến tiềm năng tăng trưởng cho nhiều ngành hàng mới, mở rộng đối tượng người tiêu dùng và cải tiến công nghệ cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Cần tâm thế sẵn sàng
Sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự xuất hiện của các “ông lớn” thương mại điện tử như Temu, đã đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Rõ ràng Temu và các nền tảng TMĐT xuyên biên giới khác đã mở ra một chương mới trong bức tranh TMĐT Việt Nam, vừa mang lại những lựa chọn mua sắm phong phú cho người tiêu dùng, vừa đặt ra các thách thức không nhỏ đối với thị trường trong nước và các cơ quan quản lý. Trong bối cảnh này, vai trò của Chính phủ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sau thời gian ‘gây bão’, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu vừa tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Temu cho biết đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam và Bộ Công Thương để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Chỉ khi nào Temu hoàn tất thủ tục đăng ký cấp phép với Bộ Công Thương, phía hải quan mới tiến hành các thủ tục tiếp theo đối với hàng hóa được giao dịch qua sàn này. Phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh để yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới rà soát và thực hiện các trách nhiệm của nền tảng số trung gian đối với người tiêu dùng tại nước ta. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã trực tiếp yêu cầu Tổng cục Thuế thực hiện rà soát việc Temu đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế của Việt Nam.

Dù đang tạm ngừng hoạt động trong thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định, sự xuất hiện của Temu là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới, như trường hợp Temu, là tất yếu trong thời đại toàn cầu hóa. Để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ rõ, thách thức thì hiện hữu nhưng cũng đem lại cơ hội thay đổi mạnh mẽ không chỉ với doanh nghiệp muốn lớn hơn, mạnh hơn mà còn với các nỗ lực của Chính phủ khi thực hiện cải cách thể chế, tháo gỡ các “điểm nghẽn” của nền kinh tế. Việc đảm bảo tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, bảo vệ sản xuất nội địa, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là những yếu tố then chốt để xây dựng một nền kinh tế số phát triển bền vững và lành mạnh. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể đón nhận lợi ích từ làn sóng TMĐT toàn cầu, đồng thời duy trì sự ổn định cho thị trường nội địa và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước.
Nguồn : https://thuongtruong.com.vn/news/temu-va-bai-hoc-cho-doanh-nghiep-ban-le-viet-133540.html.